19/09/2017 - 21:29

Thượng viện Mỹ ủng hộ tăng chi tiêu quân sự 

Với tỷ lệ áp đảo 89-8, Thượng viện Mỹ hôm 18-9 đã phê chuẩn dự thảo ngân sách quốc phòng 700 tỉ USD cho năm tài chính 2018 (bắt đầu từ ngày 1-10 tới), cao hơn 5% so với đề xuất của Tổng thống Donald Trump.

Binh sĩ Mỹ tại tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Theo Reuters, dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) năm 2018 vừa được phê chuẩn cung cấp 640 tỉ USD cho hoạt động chính của Lầu Năm Góc bao gồm tăng lương 2,1% và mua sắm vũ khí. Trong đó, NDAA hỗ trợ 10,6 tỉ USD cho phi đội 94 chiến đấu cơ F-35, gấp hàng chục lần so với đề nghị của Tổng thống Trump. Dự luật còn cung cấp kinh phí 25 tỉ USD cho hạm đội gồm 13 tàu chiến, tức cao hơn 5 tỉ USD và nhiều hơn 5 tàu so với yêu cầu của ông chủ Nhà Trắng. Mỹ cũng sẽ dành 60 tỉ USD cho các sứ mệnh quân sự ở Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác.

Được biết hồi tháng 7, phiên bản dự thảo NDAA của Hạ viện Mỹ cũng được thông qua với mức chi ngân sách kỷ lục 696 tỉ USD. Hiện tại, lưỡng viện Quốc hội Mỹ cần đối chiếu, thống nhất và phê chuẩn phiên bản cuối cùng trước khi trình lên Tổng thống Trump để ký thành luật. Theo AP, dự luật NDAA dài 1.215 trang của Thượng viện Mỹ tuy có một số mục vấp phải phản đối của Nhà Trắng nhưng ông Trump không có biểu hiện sẽ phủ quyết. Bởi nếu được thông qua, dự luật này sẽ giúp nhà lãnh đạo Mỹ thực thi cam kết tái xây dựng lực lượng vũ trang mà ông cho là đang trở nên “kiệt quệ” dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Nhưng với ngân sách kỷ lục 700 tỉ USD, dự luật NDAA của Thượng viện hiện vượt quá 91 tỉ USD so với mức trần được nêu trong Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011, vốn yêu cầu “trì hoãn” tăng chi tiêu quân sự để kiểm soát chi tiêu liên bang. Tình hình này có thể dấy lên tranh cãi bởi đảng Cộng hòa tuy kiểm soát lưỡng viện Quốc hội nhưng họ cần có sự ủng hộ của đảng Dân chủ nếu muốn thay đổi các quy tắc cho phép mở rộng ngân sách Lầu Năm Góc. Trước đó, Tổng thống Trump dự định bù đắp cho việc tăng ngân sách quốc phòng bằng cách giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, phe Dân chủ tại Thượng viện từng tuyên bố sẽ ngăn chặn mở rộng ngân sách quân đội nếu trần chi tiêu cho các chương trình phi quốc phòng không được dỡ bỏ.

Chú trọng khả năng răn đe hạt nhân

Trước mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, dự thảo NDAA còn đặc biệt cấp ngân sách 8,5 tỉ USD mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, đồng thời đảm bảo an ninh lớn hơn cho đồng minh Hàn Quốc. Con số này nhiều hơn 630 triệu USD so với đề xuất trước đó của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, dự thảo của Thượng viện còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đệ trình kế hoạch tăng cường chính sách răn đe mở rộng, theo đó Washington cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc bằng mọi khả năng quân sự, bao gồm răn đe hạt nhân lẫn các biện pháp thông thường. Theo yêu cầu của Thượng viện Mỹ, Lầu Năm Góc phải duy trì và hiện đại hóa năng lực hạt nhân hiện tại để đảm bảo các cam kết răn đe mở rộng vẫn đáng tin cậy. Đồng thời, NDAA đề nghị Bộ trưởng Mattis trình bày bất kỳ kế hoạch nào có thể tăng cường triển khai khí tài quân sự then chốt của Mỹ đến khu vực, chẳng hạn hệ thống phòng thủ tên lửa, vũ khí tấn công tầm xa hoặc máy bay mang được vũ khí thông thường lẫn bom hạt nhân.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết