11/03/2012 - 21:57

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Thực hiện nhiều giải pháp cấp bách chống hạn - mặn

Các địa phương tại ĐBSCL đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn đang bắt đầu vào cao điểm.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4 ‰ đã xâm nhập cách các cửa sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại khoảng 20-25km. Cụ thể, trên sông Cửa Đại, tại Bình Đại độ mặn đã lên đến từ 21-24‰; Giao Hòa 1-3 ‰; Long Hòa từ 0,5 ‰-2‰. Đặc biệt, nước mặn theo kênh Giao Hòa – An Hóa xâm nhập vào sông Ba Lai (vùng ngọt hóa Bắc Bến Tre). Trên sông Hàm Luông tại An Thuận, độ mặn từ 20-23‰; Mỹ Hóa từ 0,1- 1,5‰. Trên sông Cổ Chiên tại Bến Trại độ mặn đo được từ 20-23‰; Hương Mỹ 4-6‰, Thành Thới B 0,6-2‰… Các địa phương trong tỉnh Bến Tre đang khẩn trương thực hiện các công trình chống hạn, mặn, dẫn nước từ vùng ngọt hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân các địa phương ven biển. Riêng UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khẩn cấp xây dựng 22 công trình ngăn mặn; bảo vệ hàng ngàn héc-ta đất sản xuất cây ăn trái đặc sản, hoa kiểng, cây giống tại các xã Phú Sơn, Vĩnh Thành, Long Thới… Ước tính, khi các công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm thiệt hại cho người dân gần 50 tỉ đồng trong mùa khô năm 2012. Huyện Mỏ Cày Bắc đề nghị hỗ trợ 7 công trình chống mặn, bảo vệ vùng sản xuất 1.700ha tại các xã Phước Mỹ Trung, Tân Phú Tây…

Nhờ chủ động hoàn chỉnh hệ thống cống đập ngăn mặn, xuống giống sớm vụ lúa đông xuân, đến nay 60.000 ha lúa tại các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng (vùng bán đảo Cà Mau) của tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch dứt điểm, an toàn. Hiện tại, tỉnh Kiên Giang cho đóng hệ thống hơn 20 cống đập ngăn mặn để bảo vệ lúa đông xuân tại vùng Tứ Giác Long Xuyên. Tỉnh An Giang đầu tư hơn 12 tỉ đồng, gấp rút thực hiện các công trình chống hạn, mặn, bảo vệ vùng sản xuất lúa ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên…

THANH HUY

Chia sẻ bài viết