03/12/2021 - 07:55

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn 

Ðể tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm và khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thời gian qua nông dân TP Cần Thơ đã liên kết, thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp gắn với hình thành các cánh đồng lớn (CÐL) và vùng sản xuất nông sản tập trung quy mô lớn. Qua đó, nông dân có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ.

Trồng rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn.

Kinh tế hợp tác phát huy hiệu quả

Thời gian qua, các ngành chức năng thành phố và địa phương đã tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân liên kết, phát triển các mô hình kinh tế tập thể và hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả. Nhờ vậy, các mô hình kinh tế tập thể không ngừng được đổi mới, phát triển, phát huy hiệu quả, đặc biệt thể hiện vai trò trong định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tính đến năm 2020, TP Cần Thơ đã có 133 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Luật HTX mới, tăng gấp 2 lần so với năm 2008. Ðầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có 4 HTX giải thể và 13 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX nông nghiệp của thành phố lên 142 HTX, với 2.812 thành viên. Qua 10 tháng năm 2021, thành phố cũng có 18 tổ hợp tác (THT) được thành lập mới, nâng tổng số THT trên địa bàn lên 1.407 THT, với 45.601 thành viên. Trên địa bàn TP Cần Thơ đã hình thành được nhiều CÐL sản xuất lúa và vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, mô hình CÐL trong sản xuất lúa được thành phố triển khai mô hình đầu tiên tại huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 400ha vào năm 2011. Ðến nay, CÐL đã được nhân rộng tại các quận, huyện có trồng lúa của thành phố, với tổng diện tích trên 30.000 ha/vụ. Trong mô hình CÐL đã hình thành 10.000ha lúa sạch, 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và 336ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả liên kết “4 nhà”, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân. Lợi nhuận của nông dân tham gia CÐL cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,4-5 triệu đồng/ha/vụ.

Hiện thành phố đã hình thành 18 vùng sản xuất rau màu được cấp chứng nhận sản xuất an toàn, với tổng diện tích 229ha, sản xuất tập trung với đa dạng chủng loại rau màu. Thành phố cũng đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn và xây dựng được 37 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, góp phần tăng lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần. Về chăn nuôi, thành phố đã hình thành 248 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và 3 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, 4 mô hình nuôi đạt chứng nhận VietGAHP. Thành phố cũng đã có 339ha nuôi thủy sản đạt theo chuẩn chất lượng, an toàn như GlobalGAP, SQF, BMP…

Liên kết, hợp tác

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng diện tích sản xuất lúa và các loại cây trồng vật nuôi trên địa bàn thành phố tham gia các CÐL và mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn thấp so với tổng diện tích chung. Việc liên kết giữa các HTX nông nghiệp với doanh nghiệp chủ yếu là liên kết để tiêu thụ sản phẩm, diện tích liên kết để sản xuất theo chuỗi giá trị còn thấp. Ðể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn và nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Ðặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò của các HTX nông nghiệp tại các CÐL và vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung để đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ. Theo ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, các HTX nông nghiệp được chú trọng phát triển và đã có số lượng tăng hơn gấp đôi so với năm 2008. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ nên tổ chức liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế, dẫn đến giá trị hàng nông sản xuất khẩu còn thấp.

Huyện Vĩnh Thạnh có nhiều HTX và mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nông dân trong nhiều HTX đã có được lợi nhuận cao hơn so với nông dân làm ăn nhỏ lẻ bên ngoài. Huyện có 109 CÐL, với diện tích 16.466ha, chiếm tỷ lệ 65,46% diện tích lúa của huyện. Toàn huyện có 419 THT sản xuất, với 17.396 thành viên và 24 HTX nông nghiệp, với 830 thành viên. Huyện có nhiều HTX làm ăn hiệu quả như HTX Khiết Tâm, HTX Hiếu Bình, HTX Thắng Lợi…

Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, để kinh tế tập thể phát triển, HTX cũng rất cần sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp và các ngành chức năng để tiếp cận vốn. Ðồng thời, rất mong thành phố giúp cho Liên minh HTX TP Cần Thơ sớm thành lập được quỹ hỗ trợ HTX.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng, để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, rất cần có sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức là rất quan trọng, đặc biệt cần tập trung tuyên truyền các mô hình HTX làm ăn có hiệu quả và liên kết sản xuất theo chuỗi, giúp người dân thấy được hiệu quả, lợi ích khi vào HTX để tự nguyện tham gia. Các cấp thẩm quyền Trung ương và thành phố cần ban hành thêm các cơ chế, chính sách để thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ðặc biệt, doanh nghiệp phải đóng vai trò định hướng, dẫn dắt các nông dân, HTX sản xuất theo nhu cầu thị trường, làm sao giữa doanh nghiệp và nông dân phải có sự gắn kết chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết