Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Thay đổi - Thách thức - Thích ứng”. Diễn đàn trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện, đa chiều về xu hướng thị trường, nhận định triển vọng hợp tác và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp để thích nghi, nắm bắt những cơ hội thị trường mới và phát triển đột phá.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo sở, ngành tiếp bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh trong chuyến công tác của đoàn tại TP Cần Thơ tháng 11-2022.
Ðối tác thương mại quan trọng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải nhấn mạnh, sau hơn 27 năm bình thường hóa quan hệ, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Kể từ khi thiết lập mối Quan hệ Ðối tác toàn diện năm 2013, các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong quá trình phát triển đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã đóng vai trò hết sức quan trọng.
Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng, thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Giai đoạn 2020-2022, Hoa Kỳ ở vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 10-2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 107,4 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 2,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Lũy kế đến tháng 10-2022, Hoa Kỳ có 1.203 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 11,5 tỉ USD, đứng vị trí số 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến 20-10-2022, Việt Nam có 208 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư trên 1,06 tỉ USD. Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa TP Cần Thơ sang thị trường Hoa Kỳ là 147,67 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thép và các sản phẩm từ sắt thép. Về đầu tư FDI, trên địa bàn thành phố hiện có 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ bao gồm: Dự án thiết kế chế tạo máy phục vụ sản xuất công nông nghiệp, vốn đầu tư đăng ký 666.667 USD; dự án Chi nhánh Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Cần Thơ, vốn đầu tư đăng ký gần 8,2 triệu USD; dự án xuất khẩu dầu động thực vật 20.000 MT, vốn đầu tư đăng ký 900.000 USD.
Tháng 1-2015, TP Cần Thơ ký thỏa thuận hợp tác với TP Riverside, bang California (Hoa Kỳ), lĩnh vực hợp tác tập trung vào 3 mảng chính: y tế, nông nghiệp và giáo dục đào tạo. Suốt thời gian qua, việc hợp tác diễn ra tốt đẹp, hai bên có những trao đổi, hợp tác tích cực trong khuôn khổ nội dung đã ký kết. Hằng năm, TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước; củng cố và phát triển tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và TP Cần Thơ với các địa phương của Hoa Kỳ nói riêng.
Thúc đẩy hợp tác hiệu quả
Bà Pamela Phan, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Á, cho biết, cả khu vực công và tư của Hoa Kỳ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính…
Ông Ðỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng, dù Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn với nhau nhưng thách thức đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Ðó là việc gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam. Ðến nay, Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, dẫn đến việc phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại, gây thiệt thòi rất lớn cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra PVTM… Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 10 vụ kiện PVTM đến từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trước thực trạng trên, theo ông Ðỗ Thắng Hải, hai bên cần tăng cường xúc tiến, đối thoại, phối hợp giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề thương mại ưu tiên cho doanh nghiệp hai nước. Mặt khác, Hoa Kỳ cần sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, tránh tình trạng phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại trong các vụ việc điều tra PVTM và làm gia tăng tần suất các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam. Ðặc biệt, cần sớm thúc đẩy chiến lược kinh tế rộng lớn đầu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo bà Susan Burns, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để có thể nhanh chóng “bắt nhịp” với các rào cản kỹ thuật, nhất là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm mà Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng cường áp dụng trong thời gian tới. Ðồng thời, Việt Nam cần chọn lọc trong thu hút đầu tư; tránh thu hút đầu tư những ngành, doanh nghiệp của các nước thứ 3 đã bị Hoa Kỳ đánh thuế PVTM để giảm nguy cơ Việt Nam sẽ thành nước bị áp dụng biện pháp PVTM tiếp theo.
Trong chuyến thăm và làm việc tại TP Cần Thơ mới đây, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao mối quan hệ rất tốt đẹp giữa TP Cần Thơ và các đối tác Hoa Kỳ, đặc biệt là quan hệ hợp tác giữa TP Cần Thơ và TP Riverside. Bà Susan Burns cho rằng, sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu… Ðồng thời, tích cực giới thiệu cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại TP Cần Thơ.