(CTO) - Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index - EGDI) của Liên Hiệp Quốc, năm 2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia xếp hạng Chính phủ điện tử (tăng 15 bậc so với năm 2022); xếp thứ 5/11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
![Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở các ngành, lĩnh vực](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250209/images/anh_2012.webp)
Nguồn: Báo cáo kết quả CĐS của Ủy ban Quốc gia CĐS
Theo báo cáo này, vị trí xếp hạng về các chỉ số chính trong EDGI của Việt Nam năm 2024 đều có sự tăng trưởng về giá trị và xếp hạng. Cụ thể, hạ tầng viễn thông xếp 67/193 quốc gia; nguồn nhân lực xếp 79/193 quốc gia; dịch vụ trực tuyến xếp 75/193 quốc gia; dữ liệu mở của Chính phủ xếp 77/193 quốc gia.
![Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở các ngành, lĩnh vực](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250209/images/anh_2013.webp)
Nguồn: Báo cáo kết quả CĐS của Ủy ban Quốc gia CĐS
Hạ tầng số được mở rộng, phát triển
Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho mạng 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng; dừng dịch vụ thuê bao 2G, chỉ còn khoảng 0,2% (trung bình các quốc gia khác từ 2 đến 5%). Đưa vào khai thác 1 tuyến cáp quang biển mới (tuyến thứ 6) và là tuyến có dung lượng lớn nhất của nước ta. Đến nay, tỷ lệ kết nối Internet hộ gia đình đạt 82,4%, vượt mục tiêu đến năm 2025 là 80%.
![Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở các ngành, lĩnh vực](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250209/images/IMG_0836.webp)
Nhóm bạn trẻ quét mã QR tìm hiểu thông tin di tích lịch sử - văn hóa qua Internet.
Các bộ, ngành, địa phương xác lập thêm 678 cơ sở dữ liệu, tăng 30%, nâng tổng số cơ sở dữ liệu lên 2.990 cơ sở dữ liệu; đã công bố 159 nền tảng số triển khai toàn quốc để giảm tình trạng đầu tư trùng lắp. Có 75 cơ quan, địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở.
Về xây dựng chính phủ số, lần đầu tiên thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo kết quả triển khai thực chất và hiệu quả. Có 70,8% tổng số thủ tục hành chính cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (4.475 thủ tục hành chính). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Từ tháng 7-2024, VNeID được dùng để đăng nhập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm
Năm 2025, các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển dữ liệu số, trọng tâm là hoàn thành 10 cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc xây dựng đến đâu khai thác đến đó, trong đó tập trung làm sớm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đối với các cơ sở dữ liệu theo danh mục đã ban hành mà chưa xây dựng, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, hoàn thiện trong năm 2025; đảm bảo cung cấp 100% dữ liệu mở theo kế hoạch và hình thành sàn giao dịch dữ liệu.
Về phát triển chính phủ số, các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Để đạt mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ thủ tục hành chính; phát triển kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Về kinh tế số, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số năm 2025, đạt 20,5%/GDP, vượt 0,5% so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Các giải pháp về an toàn thông tin, an ninh mạng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS tiếp tục được tăng cường. Ủy ban Quốc gia về CĐS sẽ tập trung chỉ đạo triển khai CĐS toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong năm 2025.
Đến cuối năm 2024, có 55 triệu tài khoản VNeID đã được kích hoạt (vượt mục tiêu là 40 triệu); 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
![Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở các ngành, lĩnh vực](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250209/images/1%20a.webp)
UBND phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng số cho người dân tại địa phương.
Q. THÁI