Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là một trong những hoạt động mà Bộ TN&MT tập trung thực hiện trong năm 2024. Đây là hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, quyết liệt thực hiện về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, chính quyền số; chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hợp tác công - tư, chuyển đổi số toàn ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương...
Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ được xây dựng và hoạt động là một trong những mô hình chuyển đổi xanh mang lại hiệu quả ở TP Cần Thơ.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Theo Bộ TN&MT, trong bối cảnh vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu (BÐKH) ngày càng trở nên gay gắt và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp là phương thức phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BÐKH, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với BÐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Kết luận số 81-KL/TW ngày 4-6-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: “Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ðại hội Ðảng lần thứ XIII nhấn mạnh định hướng phát triển đất nước dựa trên chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do đó, việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh TN&MT phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương…”.
Trong lĩnh vực TN&MT, thời gian qua, ngành TN&MT xác định chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố sống còn để góp phần đưa Việt Nam tiến tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong đó, Bộ TN&MT đã quan tâm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) TN&MT, trọng tâm là CSDL quốc gia về đất đai, góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia. Ðặc biệt, các đơn vị thuộc ngành TN&MT đã quyết liệt, tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, vận hành chính phủ, chính quyền điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đạt được những kết quả quan trọng như cơ chế chính sách dần hoàn thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện CSDL của ngành đã có các chuyển biến quan trọng, đồng bộ, thống nhất; hạ tầng số, nền tảng số được HÐH, sử dụng chung; an toàn thông tin được bảo đảm; công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai phổ biến trên môi trường số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính của ngành đã được cải thiện…
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TN&MT (thuộc Bộ TN&MT) cho biết: Ðến nay CSDL đất đai quốc gia đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần, gồm dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản đất đai cấp vùng và cả nước. Ðối với CSDL đất đai địa phương, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL giá đất; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã...
Tập trung thực hiện
Theo Bộ TN&MT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số ngành TN&MT cũng còn những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác xây dựng chính sách, quy định cho chuyển đổi số còn chưa theo kịp thực tiễn; các quy trình làm việc nội bộ, hồ sơ, thủ tục chậm được chuyển đổi thực sự trên môi trường số, vẫn còn nhiều công việc gắn với giấy tờ; công tác xây dựng, hoàn thiện, khai thác, sử dụng CSDL tại Trung ương và các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng “đúng, đủ, sạch, sống”; chia sẻ, sử dụng dữ liệu còn hạn chế và còn có tình trạng cát cứ thông tin; hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin trong tình hình mới; nguồn nhân lực thực thi, triển khai chuyển đổi số hạn chế về số lượng, chất lượng...
Từ hạn chế trên, ngành TN&MT đưa ra kế hoạch tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hoàn thiện, duy trì, vận hành hạ tầng số, nền tảng số bảo đảm dùng chung cho các đơn vị thuộc ngành, các hệ thống thông tin dùng chung của ngành; đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động thông suốt phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị, ngành trên môi trường điện tử trực tuyến, góp phần cải tiến, đổi mới phương thức làm việc của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ cải cách hành chính; bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật cho các hệ thống thông tin, CSDL bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số… Ðối với chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, ngành TN&MT tiếp tục xây dựng các công cụ chính sách hỗ trợ như phân loại chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon; tập trung triển khai chương trình đổi mới sáng tạo như xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về TN&MT, kết nối CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư, kết nối theo thời gian thực, dữ liệu quan trắc TN&MT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ viễn thám trong giám sát BÐKH, quản lý rác thải và sử dụng đất đai…
Mới đây, tại hội nghị chuyển đổi số, chuyển đổi xanh TN&MT năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phát triển kinh tế hướng tới bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp và bền vững. TP Cần Thơ luôn coi trọng và ưu tiên việc thực hiện các chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thành phố đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến việc áp dụng các công nghệ số trong nông nghiệp, giao thông và quản lý TN&MT. Trong thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tạo ra một môi trường sống và làm việc bền vững, thông minh”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN