27/09/2017 - 14:49

Thủ tướng Merkel và “bài toán” thành lập chính phủ 

Với kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 24-9, phe bảo thủ tuy vẫn là nhóm lớn nhất trong Quốc hội Đức, nhưng Thủ tướng Angela Merkel sẽ gặp không ít khó khăn trong các cuộc đàm phán sắp tới nhằm tìm kiếm đối tác để thành lập chính phủ liên hiệp trong bối cảnh đối tác trước đây giờ trở thành đối lập và phe cực hữu lần đầu tiên có chân trong cơ quan lập pháp.

Giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ năm 1949 (33%), Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel hiện phải chọn lựa giữa việc thành lập chính phủ thiểu số hoặc tìm đối tác để lập chính phủ đa số dẫn dắt nước Đức. Nhưng trước đây, kể cả khi CDU giành được 41,5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2013, Thủ tướng Merkel cũng không có ý định điều hành một chính phủ thiểu số.

Thủ tướng Merkel có thể đàm phán với lãnh đạo FDP và đảng Xanh để thành lập chính phủ liên hiệp. Ảnh: Getty Images

Trước mắt, viễn cảnh chính phủ “đại liên minh” giữa CDU và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) tiếp tục duy trì sẽ đảm bảo thế đa số tại Quốc hội với 53% số phiếu. Nhưng lãnh đạo SPD Martin Schulz trước đó khẳng định SPD sẽ không tái hợp với đảng của Thủ tướng Merkel. Đặc biệt sau thất bại “cay đắng” với kết quả bầu cử thấp kỷ lục kể từ năm 1933, ông Schulz cho rằng SPD đang bị đẩy vào vai trò đối lập trong tình huống đảng Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD) đang trở thành phe cực hữu mạnh nhất từng hiện diện tại Bundestag (Quốc hội Đức).

Với việc SPD từ chối tham gia chính phủ và không đảng nào sẵn sàng hợp tác với AfD, khả năng còn lại là CDU sẽ thành lập “liên minh Jamaica” bằng thỏa thuận với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đối tác của Thủ tướng Merkel trong nhiệm kỳ hai (2009-2013). Đáng nói là lãnh đạo 2 đảng trên đều công khai bác bỏ phương án “liên minh Jamaica”.

Trường hợp đàm phán thành lập “đại liên minh” hoặc “giải pháp Jamaica” bị đổ vỡ, giới quan sát cho rằng bà Merkel có thể cân nhắc thành lập chính phủ thiểu số được hỗ trợ bởi 3 đối tác tiềm năng.

Với những khó khăn nói trên, Chủ tịch Văn phòng Đối ngoại của Hội đồng châu Âu tại Thủ đô Berlin Josef Janning dự đoán nhiệm kỳ 4 của Thủ tướng Merkel sẽ bị “kiềm kẹp” trong việc phát động và thực hiện bất kỳ sáng kiến ​​lớn nào của châu Âu. Với vai trò nền kinh tế đầu tàu châu Âu, tiếng nói của Thủ tướng Đức có sức mạnh quyết định trong hàng loạt vấn đề liên quan 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), từ số phận của Hy Lạp trong khu vực đồng euro tới lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nhưng giờ đây, sự phân mảnh trong Quốc hội Đức có thể trì hoãn chính sách tích cực của Thủ tướng Merkel đối với EU, đồng thời làm giảm sự thích ứng của châu Âu đối với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai. “Thủ tướng Đức vẫn là nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại châu Âu, nhưng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy bà Merkel đang trong giai đoạn thoái trào, đồng nghĩa sức ảnh hưởng của nữ Thủ tướng Đức cũng sụt giảm trên toàn châu lục” – trích nhận định của cựu quan chức ngoại giao EU Stefan Lehne.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Angela Merkel