25/09/2017 - 10:52

Thu nhập mùa Trung thu 

Vài ngày nữa đến Tết Trung thu. Những ngày này, việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm cung ứng cho mùa Trung thu đang ở giai đoạn cao điểm.

Thu Thảo với việc làm thêm bán bánh Trung thu trước cổng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. 

Cơ hội làm thêm

Đầu tháng 7 âm lịch, các đại lý bán bánh Trung thu bắt đầu thuê nhân viên bán bánh. Với lợi thế trẻ trung, năng động, sinh viên trở thành đối tượng được nhiều đại lý “nhắm” đến. Xác định đây là công việc thời vụ, làm theo ca nên khá nhiều sinh viên hào hứng đăng ký làm thêm.

Chủ yếu các đại lý tìm người bán hàng thông qua các sinh viên năm trước từng cộng tác, hoặc nhờ các mối quan hệ thân quen giới thiệu.

Nhờ bạn giới thiệu, Trương Thị Thu Thảo, sinh viên năm thứ 3 ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đang bán bánh cho một đại lý ở quận Ninh Kiều từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 âm lịch.

Tiền công 1,7 triệu đồng/tháng (ca ngày 9 tiếng), được bao ăn uống. Thảo phấn khởi cho biết, nếu cuối mùa bánh, doanh số bán đạt cao, các nhân viên như Thảo sẽ được chủ đại lý thưởng thêm.

Đầu năm học, lịch học chưa nhiều nên Thảo có thể yên tâm dành thời gian làm thêm. Bạn chia sẻ: “Mỗi việc làm thêm giúp tôi có cơ hội trải nghiệm thú vị về một nghề. Qua đó, giúp tôi trang bị kiến thức, kỹ năng sống thêm phong phú”.

Bánh Trung thu handmade

Bên cạnh các loại bánh Trung thu của những thương hiệu lớn, hiện bánh Trung thu handmade hay còn gọi là bánh Trung thu nhà làm thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng.

So với bánh của các công ty lớn, bánh Trung thu nhà làm thường có giá khá mềm và hạn sử dụng ngắn hơn. Tuy vậy, với tâm huyết của người thợ gia đình, mùi vị bánh Trung thu nhà làm thơm ngon không kém so với bánh tiệm.

Vợ chồng anh Phan Thanh Tuấn, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, làm bánh Trung thu bán khoảng 1 tháng nay. Trước đó, được người thân gợi ý, 2 vợ chồng vốn có sở thích mua bán đồ dùng, thức uống qua mạng, điện thoại, mạnh dạn mày mò thử nghiệm món bánh đặc trưng này.

Anh Tuấn cho biết: “Sau cả chục mẻ bánh thất bại, vợ chồng tôi tìm ra công thức và cách làm theo tôi cơ bản đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng thân quen. Chúng tôi có các sản phẩm bánh Trung thu nhân thập cẩm và đậu xanh, đỏ, đen cả chay và mặn. Tôi trực tiếp làm tất cả công đoạn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất bảo quản”.

Dù bánh Trung thu handmade ở Cần Thơ xuất hiện chưa nhiều nhưng cạnh tranh khá gay gắt. Theo anh Tuấn, đang có hơn chục địa chỉ nhận cung cấp bánh cho khách TP Cần Thơ. Trong đó, gồm thợ tự làm tại chỗ và các đầu mối lấy bánh nơi khác về bán.

Anh Tuấn chia sẻ: “Làm bánh Trung thu khá cầu kỳ, tốn nhiều công và chi phí nguyên liệu, đặc biệt là loại nhân thập cẩm với gần 20 loại nguyên liệu để hoàn thành chiếc bánh. Vì thế, khi đặt mua bánh giá quá rẻ, khách hàng cần cẩn thận”. Với phương châm ngon, bổ, phù hợp túi tiền, bánh Trung thu của vợ chồng anh Tuấn dần được nhiều khách hàng biết và đặt mua.

Làm lồng đèn Trung thu truyền thống

Cơ sở Thúy Linh ở khu dân cư 923, phường An Bình, quận Ninh Kiều, là địa chỉ hiếm hoi ở TP Cần Thơ còn duy trì nghề làm lồng đèn truyền thống từ tre và giấy kiếng. Mùa Trung thu năm nay, cơ sở làm khoảng hơn 1.000 lồng đèn hình ông sao, bướm, thỏ, gà,…

Chị Nguyễn Diễm Thúy, chủ cơ sở Thúy Linh cho biết: “Gia đình tôi gắn bó nghề này trên 20 năm. Mỗi dịp Trung thu, anh chị em trong nhà xúm xít làm lồng đèn, cung ứng các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em và theo đơn đặt hàng của các đơn vị, cá nhân trong thành phố”.

Theo chị Thúy, so với hơn 10 năm trước, hiện lượng lồng đèn cơ sở nhận làm giảm rất nhiều do lồng đèn công nghiệp “thắng thế”. Nếu trước đây, để kịp cung ứng lồng đèn cho thị trường, từ tháng 2 âm lịch, gia đình chị Thúy bắt đầu tìm mua nguyên liệu: cây lồ ô, giấy kiếng…; đến tháng 5-6 âm lịch, tới công đoạn dán giấy kiếng, trang trí họa tiết hoàn chỉnh, giao lồng đèn cho khách.

Mùa Trung thu này, đến tháng 5-6 âm lịch, chị mới mua nguyên vật liệu, tháng 7 bắt đầu làm đến giữa tháng 8. Để có thêm lợi nhuận, cơ sở Thúy Linh nhận phân phối một số mặt hàng lồng đèn điện tử cho các cửa hàng. Dù lợi nhuận từ lồng đèn truyền thống giảm nhiều nhưng chị Thúy vẫn kiên trì đeo bám để thỏa mãn niềm đam mê nghề truyền thống.

Mùa Trung thu gói gọn khoảng hơn tháng, nhưng với sự nhạy bén, chịu khó, nhiều lao động có thể làm việc thời vụ với nguồn thu nhập khá. Không chỉ vậy, với tay nghề đặc trưng, những lao động này góp phần tạo thêm không khí Trung thu vui tươi, ấm áp và rực rỡ sắc màu.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bánh Trung thu