Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và vấn nạn chất thải nhựa hiện nay, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý chất thải nhựa. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, xây dựng thành phố hiện đại, văn minh...
Hệ thống thu gom tự động rác nổi trên sông Cần Thơ tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.
Mô hình mới
Những ngày qua, người dân TP Cần Thơ không khỏi tò mò với chiếc thuyền neo đậu trên sông Cần Thơ thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Ðây là hệ thống thu gom tự động rác nổi (Interceptor) trên sông do Tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan nghiên cứu và sáng chế. Tại Việt Nam, TP Cần Thơ là địa phương được chọn thực hiện thí điểm dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ” với sự tài trợ kinh phí từ tổ chức này. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn và thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên sông Cần Thơ, bảo vệ an toàn nguồn nước mặt và tăng vẽ mỹ quan cho đô thị sông nước. Từ năm 2018, các chuyên gia từ TOC đã đến làm việc với UBND TP Cần Thơ và tiến hành nghiên cứu, khảo sát sự di chuyển, thành phần của rác nổi trên sông Hậu, sông Cần Thơ. Ðồng thời, phối hợp với Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Ðại học Cần Thơ vớt rác và phân loại rác thải nhựa.
Ðến đầu tháng 6-2021, hệ thống thu gom tự động rác nổi trên sông đã được neo đậu thuộc bờ phải tuyến đường thủy nội địa sông Cần Thơ từ km 03+403 đến km 03+538 trên địa bàn phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Dự án sẽ triển khai vận hành thử nghiệm trong 9 tháng, bắt đầu từ tháng 6-2021. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, tổng vốn của dự án hơn 19,8 tỉ đồng; trong đó, vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại hơn 14,6 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 5,2 tỉ đồng (ngân sách thành phố hơn 3,2 tỉ đồng và kinh phí thực hiện xã hội hóa gần 2 tỉ đồng). Chủ dự án là Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ và Công ty CP Ðô thị Cần Thơ 6 là đơn vị thực hiện.
Hệ thống thu gom tự động rác nổi trên sông giống như một chiếc phà nhỏ có chiều ngang 8,1m, dài 24,7m và cao khoảng 4,4m; lưới chắn rác có chiều dài 100m. Công nghệ thu gom của hệ thống này chủ yếu là nhờ sức đẩy của dòng chảy, đưa rác men theo lưới chắn rác đến băng chuyền bên trong hệ thống, sau đó được đưa đến 6 thùng chứa rác đặt trên sà lan. Hệ thống có thiết bị để đảm bảo lượng rác vào từng thùng chứa không bị quá tải, tràn ra ngoài. Khi tất cả các thùng chứa rác đều đầy, sà lan sẽ được tàu kéo đưa đến vị trí tập kết rác và chuyển rác lên bờ. Hệ thống thu gom được cố định bằng hệ thống neo và không lắp động cơ di chuyển. Năng lượng vận hành hệ thống hoàn toàn là năng lượng mặt trời.
Chị Nguyễn Thị Minh Thư, sinh sống khu vực kè sông Cần Thơ, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều chia sẻ: “Mấy ngày qua, thấy con tàu đậu trên sông, người dân sinh sống hay qua lại đều thắc mắc: tàu đậu ở đây làm gì? Sau khi biết đây là hệ thống tự động thu gom rác nổi trên sông, ai nấy khá bất ngờ vì lần đầu tiên được thấy và biết đến hệ thống này. Hệ thống hiện đại, hoàn toàn tự động, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Hy vọng rác thải trôi nổi trên sông sẽ được thu gom hết và sắp tới nhân rộng ở nhiều điểm khác, để các dòng sông sạch sẽ và trong lành”...
Thu gom, phân loại
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng TP Cần Thơ văn minh, xanh - sạch - đẹp, thời gian qua, TP Cần Thơ tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu gom, phân loại rác thải trên địa bàn. Thực hiện theo sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban ngành, hội, đoàn thể, quận, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, trường học, hộ dân tổ chức thu gom, phân loại rác thải phát sinh hằng ngày. Ðồng thời, vận động tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện các biện pháp giảm dần sử dụng chất thải nhựa và túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải.
Là quận trung tâm của TP Cần Thơ, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể quận Ninh Kiều đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tổ chức thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn vừa để bảo vệ môi trường, vừa cung ứng khối lượng và thành phần rác thải đủ điều kiện cho đơn vị xử lý rác. Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận cùng sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường đã giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác trước khi đưa đến khu vực tập kết, xây dựng nếp sống văn minh cho đô thị trung tâm của thành phố.
Tại các vùng nông thôn trên địa bàn thành phố, các địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Phước Hảo, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Xây dựng cảnh quan môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Xã đã xây dựng các mô hình xử lý và phân loại rác thải, điển hình như: mô hình phân loại rác tại nhà; mô hình thu gom bao bì lọ chai thuốc bảo vệ thực vật… Xã tiếp tục nhân rộng các mô hình này và vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Ðể các hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nói không với chất thải nhựa trên địa bàn thành phố tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang phối hợp cùng với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn người dân địa phương thay đổi thói quen phân loại rác; triển khai các mô hình phân loại rác. Ðồng thời, khuyến khích người dân sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày.
Bài, ảnh: T. TRINH