Cùng với các quận, huyện đã có các làng nghề trồng hoa kiểng như Bình Thủy và Phong Điền, quận Thốt Nốt cũng dần trở thành địa phương có nhiều hộ dân tham gia trồng hoa kiểng ở TP Cần Thơ. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nông dân đưa nhiều giống hoa mới vào sản xuất và áp dụng các hệ thống nhà màng, phun tưới nước tự động… để trồng hoa kiểng.

Trồng hoa cúc đồng tiền tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt.
Đa dạng chủng loại hoa
Thời điểm này, nông dân tại nhiều phường ở quận Thốt Nốt, như: Thốt Nốt, Trung Kiên, Thuận Hưng… tích cực chăm sóc các loại hoa kiểng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019.
Anh Văng Phú Máy, thành viên Tổ hợp tác trồng hoa kiểng ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, trồng hoa kiểng được 5 năm, cho biết: “Hiện đã xuống giống gieo trồng 1.700 chậu hoa kiểng các loại để phục vụ Tết Nguyên đán 2019, tăng hơn 200 chậu so với năm trước. Năm nay, các loại hoa kiểng tôi trồng cũng đa dạng nhiều chủng loại, chứ không chỉ tập trung một vài loại truyền thống là vạn thọ, cúc tiger và cúc mâm xôi như trước đây. Loại hoa mới được tôi tập trung phát triển trồng là cúc hoa pha lê, đây là loại cúc có hoa màu vàng sáng được thị trường rất ưa chuộng. Năm trước, có một số hộ dân tại địa phương đã phát triển trồng cúc này và bán được giá lên đến 250.000-350.000 đồng/chậu”. Còn chị Lê Thị Lình, ngụ khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, cho biết: “Đã xuống giống 2.500 chậu hoa kiểng các loại. Bên cạnh các loại hoa truyền thồng, năm nay gia đình sản xuất nhiều giống hoa mới cây mô, chất lượng cao, như 1.000 chậu hoa chuông, 530 chậu cúc pha lê, 300 chậu dạ yên thảo…”.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019, nông dân xuống giống gieo trồng hơn 78.000 chậu hoa, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Các loại hoa kiểng nông dân sản xuất khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều giống hoa đẹp, giá trị cao như: cúc Đài Loan, cúc pha lê, cúc đồng tiền, mai dạ thảo, dạ yên thảo, hoa chuông, cẩm tú cầu… Hiện phần lớn các loại hoa kiểng đều phát triển tốt. Phòng Kinh tế đang phối hợp với các ban ngành quận và địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất hoa kiểng của bà con để có các hỗ trợ kịp nhằm phòng tránh sâu bệnh và ứng phó với các diễn biến thời tiết bất lợi.
Nhiều triển vọng
Nhiều nông dân tại quận Thốt Nốt đã phát triển trồng hoa kiểng quanh năm. Song, nông dân trồng hoa nhiều và tập trung nhất vẫn là thời điểm thị trường Tết Nguyên đán hằng năm. Để hỗ trợ nông dân phát triển trồng hoa kiểng, quận đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về vốn, giống cây trồng và mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; thực hiện các mô hình trồng hoa trong nhà màng, sử dụng giống cấy mô sạch bệnh và áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho hoa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Phú Sang, cán bộ Khuyến nông phường Thốt Nốt, cho biết: “Phường Thốt Nốt là nơi có số lượng sản xuất hoa kiểng đứng hàng đầu tại quận Thốt Nốt, với hơn 38.000 chậu hoa các loại, trong đó có hơn 8.400 chậu cúc pha lê. Trên địa bàn phường cũng hình thành được một tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng ở khu vực Long Thạnh 2, với hơn 30 hộ thành viên. Vụ hoa phục vụ Tết 2019, nông dân tại tổ hợp tác đã được hỗ trợ 10.000 cây giống hoa gồm các loại như: cúc đồng tiền, cúc mini, hoa chuông, dạ yên thảo... để thực hiện 2 mô hình trồng hoa trong nhà màng có lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động”.
Theo ông Từ Hòa Khải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thốt Nốt, nông dân trồng hoa tại phường có thể đạt thu nhập trên 120 triệu đồng/1.000m2/năm nên ngày càng có nhiều hộ dân tham gia trồng hoa quanh năm. Với định hướng xây dựng Thốt Nốt thành phường nông nghiệp đô thị, các cấp chính quyền tại phường cũng đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân phát triển trồng hoa kiểng và các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện diện tích đất sản xuất ít. Phường Thốt Nốt cũng có hướng thành lập làng nghề sản xuất hoa kiểng tại nơi đang tập trung nhiều hộ dân tham gia sản xuất hoa kiểng là khu vực Long Thạnh 2 nhằm tạo thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của bà con.
Hoa kiểng trồng tại quận Thốt Nốt không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà tiêu thụ tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Anh Nguyễn Điền Trung, ngụ khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, cho biết: “Năm nay, hoa vạn thọ của gia đình tôi tiếp tục được khách hàng tại tỉnh Cà Mau và tỉnh lân cận là An Giang đặt mua từ khá sớm với số lượng khá lớn nên tôi tăng số lượng sản xuất lên 4.000 chậu, tăng 1.500 chậu so với năm trước. Có 2.000 chậu đã được khách hàng đặt mua ngay đầu vụ với giá 16.000 đồng/chậu, với giá này tôi có thể kiếm lời gần 10.000 đồng/chậu”.
Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cùng với việc quan tâm hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất, giúp nông dân xây dựng các mô hình trồng hoa kiểng hiệu quả, Phòng Kinh tế quận cũng phối hợp các ban, ngành quận và địa phương để hỗ trợ nông dân phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, kết nối nông dân với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ tạo thuận lợi đầu ra sản phẩm, quan tâm bố trí các điểm chợ hoa Tết trên địa bàn, tạo thuận lợi cho mua bán của người dân.
Bài, ảnh: Khánh Trung