10/10/2012 - 21:09

Thông luồng tàu lớn vào hệ thống cảng trên sông Hậu: Yêu cầu cấp bách!

Năng lực hoạt động của hệ thống cảng trên sông Hậu rất lớn nhưng khó khăn nhất hiện nay là luồng Định An bị bồi lắng, tàu lớn không thể ra vào được. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cái Cui – TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG

Hiện nay, dự án kênh tắt Quan Chánh Bố phục vụ cho tàu trọng tải lớn ra vào hệ thống cảng trên sông Hậu đang bị đình hoãn, đội vốn rất lớn, nhiều khả năng sau năm 2015 mới tiếp tục triển khai. Trong khi đó, luồng tàu truyền thống Định An - vốn có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của vùng ĐBSCL đang bị bồi lắng nặng nề. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo các địa phương trong khu vực, doanh nghiệp kiến nghị sớm được tập trung đầu tư nạo vét.

Cuối năm 2009, dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu tắt qua kênh Quan Chánh Bố được khởi công xây dựng tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển ổn định cho tàu có trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT chở giảm tải ra, vào các cảng trên sông Hậu. Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 1.500 ha thuộc địa phận hai huyện Duyên Hải và Trà Cú (tỉnh Trà Vinh). Tổng khối lượng nạo vét để đào kênh mới và cải tạo các kênh hiện hữu khoảng 28 triệu m3. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng (thời điểm phê duyệt năm 2007 là 3.148 tỉ đồng). Dự kiến đến cuối năm 2011, luồng tàu này sẽ đi vào khai thác và đáp ứng năng lực thông qua khoảng 22 triệu tấn hàng hóa/năm, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của ĐBSCL.

Trên tuyến sông Hậu hiện có 15 cảng biển đang hoạt động (thuộc nhóm cảng biển số 6), năng lực khai thác rất lớn, có khả năng tiếp nhận tàu trên 5.000-10.000 tấn trở lên, đảm bảo phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong vùng. Trong đó, hệ thống cảng biển ở TP Cần Thơ gồm: Cảng Cái Cui, Hoàng Diệu-Bình Thủy, Trà Nóc-Ô Môn được quy hoạch là cảng quốc gia đầu mối khu vực, loại 1. Đặc biệt, tháng 9-2010, cảng Cái Cui khánh thành và đưa vào sử dụng cầu tàu có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn, lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên, hiện nay, công trình đã tạm ngưng sau một thời gian thi công. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhận thấy trong điều kiện các phương án phân kỳ đầu tư không đảm bảo mục tiêu khai thác luồng tàu theo dự án được duyệt cũng như không đảm bảo hiệu quả đầu tư nên hiện tại đang báo cáo Thủ tướng rà soát để điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 10.042 tỉ đồng và giãn tiến độ thực hiện sau năm 2015... Trong khi đó, tại Hội nghị về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 vừa được tổ chức tại Cần Thơ, lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL đề nghị nên tiếp tục ưu tiên thực hiện dự án này để sớm đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu phát triển của vùng...!

Vấn đề lo ngại nhất là hệ thống cảng hiện nay hoạt động chưa tới 50% công suất và chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL; 70% còn lại phải trung chuyển lên các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh. Điều này làm phát sinh chi phí lớn, gây ách tắc giao thông thủy-bộ; đặc biệt là mất lợi thế cạnh tranh. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nhà doanh nghiệp, bình quân, mỗi tấn hàng trung chuyển từ ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đội chi phí 7-10 USD. Rõ ràng có sự lãng phí rất lớn năng lực của hệ thống cảng trên sông Hậu (đã và đang được đầu tư nguồn vốn, quy mô lớn). Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, khẳng định: "Nguyên nhân chính là độ sâu luồng Định An bị bồi lắng, không tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn. Từ đó không đáp ứng nhu cầu phát triển khu vực. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho Cần Thơ và khu vực ĐBSCL khó thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù các địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh".

Từ năm 2002 đến 2012, mỗi năm kinh phí nạo vét luồng Định An đều từ 20 tỉ đồng trở xuống, chỉ có năm 2012 là 29 tỉ đồng. Cá biệt năm 2007 chỉ có 2 tỉ đồng, năm 2002 được 3,8 tỉ đồng, năm 2005 là 6 tỉ đồng, 2006 là 7,6 tỉ đồng. Việc nạo vét được đảm nhiệm bởi tàu Long Châu (Hải Phòng) vốn rất cũ kỹ, công suất thấp (7000-8000m3/ngày), ra đời từ năm 1971, bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết. Thực tế từng diễn ra tình trạng vừa nạo vét xong thì luồng đã bồi lắng trở lại.

Việc đầu tư nạo vét cửa Định An những năm qua còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng vốn có. Trong khi luồng Định An ngày một bồi lắng. Đỉnh điểm là năm 2010 đến đầu năm 2011, tại khu vực cửa Định An, độ sâu cốt luồng chỉ đạt 1,9-2,5m; tàu 3.000 tấn ra vào rất khó khăn. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua 15 cảng trên sông Hậu giảm mạnh trong các năm qua. Cụ thể như: Năm 2008, có 4.100 lượt tàu biển ra vào hệ thống cảng trên sông Hậu, hàng hóa thông qua gần 9 triệu tấn (thời điểm này tàu 5.000 tấn có thể ra vào được). Năm 2009, có 7.873 lượt tàu với hơn 16,6 triệu tấn hàng hóa được thông qua. Nhưng năm 2010, chỉ còn 1.414 lượt với 3,36 triệu tấn hàng hóa, năm 2011 chỉ 1.116 lượt tàu và 3,42 triệu tấn hàng. 6 tháng đầu năm 2012, bình quân mỗi tháng chưa tới 100 lượt tàu, tổng lượng hàng thông qua cảng chỉ có 1,37 triệu tấn. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định: "Việc đầu tư nạo vét luồng Định An với quy mô lớn, có bài bản là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL". Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, xác định: Luồng Định An có vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện hiện nay và ngay cả khi kênh tắt Quan Chánh Bố đưa vào sử dụng. Hiện luồng Định An bị bồi lắng không có nghĩa là không xử lý được. Bằng chứng là từ năm 2011 đến nay, nhờ điều chỉnh chọn tuyến phù hợp nên việc nạo vét đạt hiệu quả khá cao. Cụ thể như năm 2011, sau khi nạo vét đạt cốt luồng (âm) 4-4,2m. Đến nay sau hơn 1 năm thì cốt luồng chỉ bị bồi lắng khoảng 50-60cm, tàu 5.000 tấn đầy tải vẫn lưu thông an toàn… Hiện nay, việc nạo vét tốt luồng Định An, duy trì độ sâu khoảng -5m, đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu có tải trọng lớn hơn, giảm tải ra vào được các cảng biển trên sông Hậu là vấn đề có tính quyết định. Để làm được điều này, cần đầu tư nguồn vốn lớn, khoảng 300 tỉ đồng để nạo vét trên quy mô lớn (dài khoảng 7km, rộng 200m, độ sâu cốt luồng (âm) 5-5,5m và duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Rất cần trang bị tàu nạo vét lớn, công suất cao, khoảng 5000m3/giờ, chịu được điều kiện sóng to gió lớn nơi cửa biển…

Hiện có một đơn vị của nước ngoài đang khảo sát, đặt vấn đề mua cát của luồng Định An với khối lượng khoảng 1 triệu m3/năm. Nếu dùng kinh phí từ nguồn bán cát tận thu và một số nguồn khác thì nhiều khả năng luồng Định An được khơi thông tốt, tạo điều kiện tốt cho hàng hóa xuất nhập vào ĐBSCL. Mới đây, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ GTVT xem xét phương án nạo vét luồng Định An có nghiên cứu đến vấn đề nguồn vốn từ bán cát tận thu.

Thanh Huy

Năng lực hoạt động của hệ thống cảng trên sông Hậu rất lớn nhưng khó khăn nhất hiện nay là luồng Đ

Chia sẻ bài viết