08/12/2022 - 14:12

Thông điệp sống tích cực “Trạm yêu thương” 

BẢO LAM

"Trạm yêu thương" là nơi chia sẻ chuyện đời của những nhân vật đặc biệt. Hành trình vươn tới ước mơ, nghị lực vượt khó và tình yêu thương không giới hạn của các nhân vật trong mỗi câu chuyện đã lan tỏa những thông điệp sống tích cực. Chương trình có 52 tập, phát sóng lúc 10 giờ, thứ bảy hằng tuần trên kênh VTV1.

Cô gái không tay Lê Thị Thắm (bên phải) trong tập "Đôi chân cầm phấn".

Cô gái không tay Lê Thị Thắm (bên phải) trong tập "Đôi chân cầm phấn".

“Trạm yêu thương" gồm 4 phần, phần 1 là "Yêu thương ơi, chào nhé!" xoay quanh câu chuyện chung của các khách mời, đồng thời đặt ra vấn đề để khán giả đồng cảm. Phần 2 là "Dừng lại để yêu thương" đi sâu vào câu chuyện của một nhân vật yếu thế, từ đó thấy được sự lạc quan, nghị lực vượt khó của nhân vật. Phần 3 mang tên "Quà tặng yêu thương" giúp hiện thực hóa những ước mơ của nhân vật, đồng hành cùng họ trên con đường tiếp theo. "Cùng yêu thương lên đường" là nội dung phần 4 với những nội dung lan tỏa thông điệp truyền cảm hứng, phát động hành động ngay tại trường quay và trên hệ thống online, để thể hiện sự yêu thương với nhân vật và chủ đề của chương trình.

Mỗi tập của chương trình có tên gọi chủ đề như "Ngày con sinh ra", "Ánh sáng nơi trái tim", "Hãy cứ cho đi", "Khởi đầu không bao giờ là quá muộn", "Lá thư chở yêu thương", "Chúng ta rồi sẽ ổn thôi", "Điều nhỏ bé phi thường"... Các chủ đề trong chương trình gần gũi với đời thường như: tình yêu, hôn nhân, mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, những bước ngoặt cuộc sống. Thông qua câu chuyện vươn lên của những nhân vật tham gia trong chương trình, người xem sẽ hiểu thêm về nỗ lực vượt qua các khó khăn, giữ được sự lạc quan trong cuộc sống và tin tưởng vào tình thương trong đời sống mỗi ngày. 

Ví dụ như tập "Ánh sáng nơi trái tim" kể câu chuyện giữa một người vợ bình thường và người chồng khiếm thị. Cả hai đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn để đến với nhau, rồi cùng thực hiện ước mơ. Chị đã cùng anh tập chạy, giúp chồng trở thành người khiếm thị Việt đầu tiên hoàn thành cự ly marathon 21km. Hay câu chuyện vượt khó của bác Ngô Tôn Đức trong "Khởi đầu không bao giờ là quá muộn" khiến người xem bội phục. Ở tuổi 70 bác vẫn cặm cụi học tập để chinh phục ước mơ có tấm bằng đại học ngành Luật, trở thành tấm gương cho nhiều người trẻ.

Trong "Trạm yêu thương", có rất nhiều câu chuyện lay động người xem, như chuyện của cô gái không tay Lê Thị Thắm trong tập "Đôi chân cầm phấn". Thắm sinh ra trong gia đình làm nông, ngay từ lúc lọt lòng đã không có đôi bàn tay. Thắm vẫn sống lạc quan, học tập để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Bằng cách khổ luyện đôi chân của mình, Thắm viết chữ rất đẹp, dùng thành thạo máy tính, cầm lược chải đầu, tự xâu kim, vẽ và thêu. Thắm đã dần chạm đến ước mơ khi có bằng Cử nhân Sư phạm tiếng Anh và lan tỏa ý chí, sự ham học hỏi của mình cho trẻ em trong xóm qua lớp học tiếng Anh miễn phí. Hay câu chuyện của thầy Đào Thanh Hương trong tập "Vấp ngã đừng gục ngã". Di chứng chất độc da cam khiến thầy giáo của trường THCS Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái. Thầy Hương đã vượt nghịch cảnh, chinh phục ước mơ nghề giáo, có một tổ ấm hạnh phúc và lập quỹ khuyến học giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cứ như thế, qua mỗi tập "Trạm yêu thương", khán giả cảm nhận niềm tin về cuộc sống, trân trọng những giá trị đời thường, cảm phục những con người có số phận đặc biệt đã mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh để lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Chia sẻ bài viết