18/07/2008 - 07:46

Thông báo Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X

* Thông qua Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

* Quyết định kỷ luật đồng chí Võ Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, vì đã mắc một số sai phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

(TTXVN)- Từ ngày 9 đến ngày 17-7-2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã nghe báo cáo và thảo luận các Đề án: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế”; “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; nghe và thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2008 và một số vấn đề khác.

1- Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển đất nước, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về công tác thanh niên, tình hình thanh niên và công tác thanh niên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Một thế hệ thanh niên có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, khát khao sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã được bồi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, hoài bão, niềm tin, thiếu ý chí vươn lên trong học tập, lao động, công tác, thậm chí sa vào tệ nạn, tội phạm.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi thanh niên là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tương lai của dân tộc; đặt thanh niên ở vị trí trung tâm của chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ nay đến năm 2020, tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong lao động tập thể, là những công dân tốt của đất nước. Đảng luôn cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong những năm tới, phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho thanh niên học tập, nghiên cứu. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện để thanh niên nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển toàn diện. Trọng dụng nhân tài trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong việc sử dụng, bố trí cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng; chăm lo xây dựng Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và gia đình trong việc phối hợp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên. Động viên sự nỗ lực, sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi đoàn viên, thanh niên.

Sau khi thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

2- Trong suốt quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới, đội ngũ trí thức nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức đã góp phần trực tiếp cùng toàn dân đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; đóng góp tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; đa số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc... Tuy nhiên, số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ trí thức chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước. Bộ phận tinh hoa, hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành thiếu, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Hoạt động nghiên cứu khoa học thiếu gắn bó mật thiết và chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng, phong phú của sản xuất, kinh doanh, đời sống. Số các công trình nghiên cứu, sáng chế đạt trình độ khu vực và thế giới còn ít. Một bộ phận trí thức chạy theo lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm công dân. Đảng và Nhà nước chưa có chiến lược tổng thể xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự lấy khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo làm “quốc sách hàng đầu”. Chưa có chủ trương, chính sách đúng tầm để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút trí thức trong nước và trí thức Việt Nam ở nước ngoài... Ban Chấp hành Trung ương xác định: Trong thời đại ngày nay, tri thức ngày càng giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trí thức Việt Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn và cả những thách thức gay gắt. Chúng ta cần phấn đấu để đến năm 2020 xây dựng được đội ngũ trí thức có chất lượng cao, số lượng đông và cơ cấu hợp lý, tiến tới ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Để phát triển đội ngũ trí thức, cần hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học, giáo dục và đào tạo, văn hóa, văn nghệ; tập trung đầu tư, tạo môi trường, điều kiện để trí thức hăng hái hoạt động và cống hiến; xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, thu hút trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia phát triển đất nước; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về vị trí, vai trò của trí thức; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng. Đồng thời đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng các hội của trí thức...

Sau khi thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định ra Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

3- Sau hơn 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh; trình độ khoa học - công nghệ được nâng cao. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện. Hệ thống chính trị ở nông thôn do Đảng lãnh đạo được tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng nhiều loại nông sản thấp. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng lớn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc...

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí quan trọng, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng và cả nước.

Trong những năm tới phải xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo tốt môi trường sinh thái; hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn để không thua kém xa so với các đô thị.

Trên cơ sở phân tích, làm rõ các mục tiêu cần đạt được từ nay đến năm 2020 và trước mắt đến năm 2010, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và xác định các nhóm giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp về quy hoạch (đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới); xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; đổi mới hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn...

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

4- Sau khi nghe Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và nhận định: Trong 6 tháng đầu năm và nhất là trong quý II-2008, với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành và của toàn dân, việc thực hiện Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 10-NQ/CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đã thu được một số kết quả bước đầu, nhưng chưa thật ổn định và vững chắc; mức lạm phát, nhập siêu còn cao, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của nền kinh tế giảm, đời sống của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng...

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị ra Kết luận, xác định chủ trương và các giải pháp để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn khó khăn, yếu kém, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2008.

5- Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng và đề nghị cơ quan Nhà nước cảnh cáo về chức vụ chính quyền đối với đồng chí Võ Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau, vì đồng chí đã mắc một số sai phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên quan tiếp tục làm rõ việc đưa, nhận tiền như đồng chí Võ Thanh Bình đã báo cáo để kết luận và xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.* *

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy ưu điểm, kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm 2008; khắc phục hạn chế, yếu kém; tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, đưa sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thu được những thành tựu mới. Trước mắt, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nông dân các địa phương nghèo, công nhân các khu công nghiệp; đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp lập thành tích chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, tạo đà vững chắc cho các năm tiếp theo.

Chia sẻ bài viết