17/09/2016 - 16:03

Thói quen ngủ sớm mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho trẻ nhỏ

Theo các chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ), bảo đảm con trẻ ngủ đủ giấc là một trong những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm vì sức khỏe của chúng, bởi lợi ích của việc này không chỉ phát huy hôm nay mà còn kéo dài đến mai sau.

Phòng ngừa nguy cơ bị béo phì

Các nhà khoa học từ lâu xác nhận thiếu ngủ làm tăng nguy cơ béo phì cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác (như ngủ gật hoặc mất tập trung trên lớp, giảm khả năng tư duy, cáu gắt, trầm cảm, tiểu đường…). Nghiên cứu gần đây còn cho thấy đi ngủ muộn cũng khiến trẻ có nguy cơ cao bị béo phì về sau.

 Ngủ sớm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ. Ảnh Turner

Trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nhi khoa, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của 977 trẻ trong độ tuổi từ mẫu giáo đến vị thành niên từng tham gia nghiên cứu Chăm sóc trẻ em sớm và Sự phát triển thanh niên của Viện Quốc gia Eunice Kennedy Shriver về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển con người. Sau khi so sánh giờ ngủ của các em lúc nhỏ với tình trạng sức khỏe ở tuổi thiếu niên, các chuyên gia phát hiện chỉ 10% số em có thói quen đi ngủ từ 20 giờ hoặc sớm hơn lúc mẫu giáo bị béo phì khi lớn lên, trong khi tỷ lệ này ở nhóm thường đi ngủ sau 21 giờ là 23%. Đối với những em thường vào giường ngủ trong thời gian từ 20 đến 21 giờ lúc nhỏ, khoảng 16% bị béo phì ở tuổi vị thành niên.

"Những trẻ quen ngủ sớm ở tuổi mẫu giáo có một nửa nguy cơ béo phì khi lớn lên so với bạn cùng trang lứa hay ngủ muộn. Điều này vẫn đúng ngay cả khi đã tính đến các yếu tố khác có liên quan tới nguy cơ béo phì" – trưởng nhóm nghiên cứu Sarah Anderson cho biết. Theo giải thích của bà, ngủ không đủ giấc làm thay đổi các hoóc-môn kiểm soát sự thèm ăn và trao đổi chất, dẫn tới tăng cân. Trong khi đó, những trẻ ngủ sớm ít gặp phải tình trạng khó ngủ hoặc thức giấc giữa đêm, bên cạnh những lợi ích đã được chứng thực trong các nghiên cứu trước đó như cải thiện hành vi, phát triển nhận thức và sự chú ý.

Có lợi cho trí não

Theo chuyên gia Reut Gruber tại Đại học McGill (Canada), ngủ sớm không chỉ có lợi cho sức khỏe thể chất mà còn tốt cho tâm trạng và sức khỏe tâm thần của trẻ, bởi giấc ngủ có chức năng phục hồi, với cả thể chất lẫn trí não. Ngược lại, thiếu ngủ làm yếu quá trình sinh lý vốn có nhiệm vụ điều tiết cảm xúc, thông qua quá trình "đối thoại" hoặc tương tác giữa các phần não gọi là vùng vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân. "Những khu vực thần kinh chi phối việc điều tiết cảm xúc này rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ngủ. Nên khi người ta ngủ không đủ giấc, kết nối giữa vùng vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân bị suy yếu, họ khó điều tiết cảm xúc, từ đó gia tăng căng thẳng và dễ bị kích động" – bà Gruber nhấn mạnh.

Trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý Nhi khoa năm 2013, với sự tham gia của 32 trẻ từ 8-12 tuổi, các chuyên gia yêu cầu các em đi ngủ sớm hoặc trễ hơn 1 giờ so với thường lệ trong khoảng 3 tuần. Qua các cuộc kiểm tra tiến hành mỗi dịp cuối tuần, họ phát hiện khả năng thực hiện các bài tập đánh giá cảm xúc, trí nhớ và khả năng làm toán của những em ngủ trễ đều suy giảm. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Giấc ngủ hồi năm 2010 cũng ghi nhận, thanh thiếu niên đi ngủ lúc 22 giờ hoặc sớm hơn ít có nguy cơ phát triển chứng trầm cảm và nảy sinh ý nghĩ tự tử. Được biết, nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu của 15.659 học sinh từ lớp 7-12 từng tham gia nghiên cứu Sức khỏe thanh niên quốc gia Mỹ, chủ yếu tập trung theo dõi giấc ngủ cũng như sức khỏe tinh thần của thanh niên.

Học viện Y học giấc ngủ của Mỹ (AASM) khuyến nghị phụ huynh nên cho con em mình ngủ đủ giấc dựa trên từng nhóm tuổi, như sau:

- Trẻ từ 4-12 tháng tuổi nên ngủ từ 12-16 tiếng/ngày
- Trẻ từ 1-2 tuổi nên ngủ 11-14 tiếng/ngày
- Trẻ từ 3-5 tuổi nên ngủ 10-13 tiếng/ngày
- Trẻ từ 6-12 tuổi nên ngủ 9-12 tiếng/ngày
- Thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi nên ngủ 8-10 tiếng/ngày

Lưu ý: Trẻ sơ sinh nên vào giường ngủ từ 19 giờ, trẻ mới biết đi nên ngủ từ 19 giờ 30 phút, trẻ nhỏ nên ngủ lúc 20 giờ, thiếu nhi nên ngủ lúc 20 giờ 30 và thiếu niên nên ngủ từ 21-22 giờ 30.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết