29/11/2017 - 14:51

Thời hậu chiến trong “Thương nhớ ở ai” 

Chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, “Thương nhớ ở ai” thu hút bởi kịch bản, nhân vật sinh động, diễn xuất tự nhiên. Phim tái hiện cuộc sống của người dân Bắc bộ thời hậu chiến, đặc biệt là những người phụ nữ. Phim dài 34 tập, phát sóng vào 14giờ30 thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên VTV3.

Vạn (Lâm Vissay, phải) và Hơn (Hồng Kim Hạnh).

Có thể nói “Thương nhớ ở ai” khá gai góc khi kể về Vạn (Lâm Vissay), bộ đội phục viên trở về làng Đông làm xã đội trưởng và chứng kiến nhiều bi kịch do chiến tranh và cả hủ tục để lại. Trải qua hai cuộc chiến, làng Đông  chỉ còn những phụ nữ góa chồng ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng, ôm niềm hy vọng đoàn tụ dần chết mòn. Vạn mỗi ngày phải chứng kiến những bất hạnh. Đó là cái chết của chồng Hơn (Hồng Kim Hạnh)- địa chủ tốt bụng, khiến Hơn bị xa lánh, dù cô hiền lành, an phận. Đó là cuộc sống bị hắt hủi, khinh bỉ của ca nhi tên Nương, hay Liễu- cô gái trót dại mang thai bị thả trôi sông. Đó còn là bi kịch tình yêu của Vạn với Nhân- người phụ nữ có chồng là liệt sĩ… Vạn còn phải đau đầu trước cách hành xử của Đột- chủ tịch xã, Quất- anh cán bộ văn hóa xã dốt nát mà thích biểu hiện.

Các nhân vật trong “Thương nhớ ở ai” có tính cách và số phận. Người làng Đông không chỉ mang nỗi đau mất mát người thân, mà còn bị giam cầm bởi những định kiến hà khắc. Số phận người phụ nữ cũng được khắc họa rõ nét trong “Thương nhớ ở ai”. Những khát khao yêu thương, tìm đến hạnh phúc của Hơn, Nhân, Nương, Liễu… đều vướng phải những lo sợ, ám ảnh của miệng đời và hủ tục. Phim dám nhìn thẳng vào nỗi đau từ những sai lầm trong quá khứ, để hướng đến tương lai.

Dàn diễn viên diễn xuất tự nhiên. Lâm Vissay thành công khắc họa Vạn hiền lành, hết lòng bảo vệ những kẻ yếu, nhưng luôn bế tắc trước những việc anh tự cho rằng đi ngược lại lý tưởng. Hồng Kim Hạnh thể hiện Hơn ẩn nhẫn nhưng quật cường, hết lòng vì chồng con; còn Thanh Hương mang đến ca nhi Nương bất cần đời nhưng sống tình cảm.

Là phim truyền hình nhưng “Thương nhớ ở ai” được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh qua những khung hình, góc máy đặc tả tâm trạng nhân vật. Những trường đoạn Nương hát ở trước ngoài đình làng, hay Hơn cất tiếng ca tiễn chồng, hình ảnh Liễu bị bôi vôi thả trôi sông… đều gây ấn tượng mạnh. Phim không chỉ tái hiện khung cảnh nông thôn Bắc bộ, từ giếng nước, cây gạo, bụi tre, mái nhà; mà còn hòa vào đó là những làn điệu dân gian: chèo, quan họ, xẩm, ca trù… đầy thi vị.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết