18/11/2019 - 09:07

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi 

Với nguồn hỗ trợ từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều người dân ở huyện Thới Lai đã xây dựng các mô hình kinh tế gắn với vườn, ruộng cho thu nhập tốt. Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.

Anh Tâm chăm sóc giàn hoa cát tường, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Chúng tôi ghé nhà khi đồng hồ đã điểm 12 giờ trưa, cũng là lúc anh Cao Thanh Tâm, ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, vừa từ ngoài ruộng về tới. Gia đình anh Tâm thuộc diện hộ cận nghèo. Anh là lao động chính vì vợ anh bận bịu chăm sóc 3 con nhỏ; trong đó, con nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Ra riêng với 1 công đất cha mẹ cho, mấy năm trước anh thuê thêm đất trồng lúa nhưng do thời tiết không thuận lợi, lỗ tiền công. Năm 2017, anh được địa phương hỗ trợ, bình xét cho vay 40 triệu đồng từ NHCSXH, mua 1 con bò thịt, mua kẽm làm giàn trồng hoa và sắm máy bơm nước, chẹt dùng chuyên chở nông cụ, nông sản.

Anh Tâm kể: “Từ 1 con bò thịt ban đầu, tới nay tôi đã có được 2 con. Giàn trồng hoa bắt bằng kẽm bền hơn, tôi đỡ tốn chi phí và công sức làm giàn mới vào mỗi vụ hoa. Còn chiếc chẹt thì vừa chở được nông cụ, chở hoa ra chợ, vừa có thể cho thuê. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, sẽ khó gầy dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ”. Thấy anh Tâm chí thú làm ăn, địa phương vừa bình xét cho anh nâng vốn thêm 20 triệu đồng hơn 1 tháng nay. Số vốn này, anh bổ sung vào trồng hoa Tết và chất nấm rơm. Năm nay, anh Tâm trồng khoảng 5.000 giỏ hoa Tết. Phần đất xung quanh nhà anh được lấp đầy bằng 300m dòng rơm chất nấm. Anh Tâm khoe, dịp rằm tháng 10 vừa qua ngay lúc nấm rộ, ngày 14 và 15 âm lịch, mỗi ngày anh hái được 50-60kg nấm, bán với giá 55.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về rất khá.

Theo anh Tâm, ngoài ruộng lúa, hiện nay, nhiều hộ dân trong ấp Trường Khương áp dụng mô hình trồng hoa Tết và chất nấm rơm ngay sau mỗi vụ lúa. Anh bắt chước làm theo và đạt được hiệu quả kinh tế bước đầu nhờ có sự hỗ trợ thiết thực từ nguồn vốn vay NHCSXH. Hứa hẹn năm tới gia đình anh sẽ thoát nghèo.

Nhiều nông hộ ở ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B thì phát triển mô hình trồng vườn, chủ yếu các loại cây: thanh long ruột đỏ, cam, mít và chất nấm rơm. Ông Phạm Hồng Quân, Bí thư, Trưởng ấp và cũng là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn NHCSXH ấp, cho biết: “Ấp hiện có 14 hộ trồng thanh long ruột đỏ với tổng diện tích khoảng 24ha; cam, mít được khoảng 12 ha. Tới mùa, nhu cầu thuê lao động của các hộ này tăng cao, chủ yếu làm các công việc: tỉa cành, xịt thuốc, vuốt tai, làm cỏ, hái trái và vận chuyển. Nhờ đó, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động không có ruộng đất, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo”.

Anh Huỳnh Văn Út Cẩn, hộ nghèo của xã Trường Xuân B, nhà không có ruộng đất. Năm 2017, anh được địa phương bình xét cho vay 40 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư nuôi heo. Hiện tại, anh đã chuyển sang mô hình chăn nuôi gà vườn. Vợ chồng anh Cẩn tận dụng thời gian rảnh đi làm thuê. Anh chất nấm thuê với tiền công 220.000 đồng/ngày. Còn vợ anh nhận làm cỏ cho các vườn trái cây, với công nhật 25.000 đồng/giờ. Gia đình anh là một trong các hộ được xét thoát nghèo vào cuối năm 2019.

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thới Lai, tính đến cuối tháng 10-2019, doanh số cho vay đạt 56 tỉ đồng, với 3.804 lượt hộ vay vốn, toàn huyện đạt dư nợ trên 334 tỉ đồng, ở  9 chương trình cho vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 57 tỉ đồng với 2.595 hộ còn dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 103,6 tỉ đồng với 5.165 hộ vay; cho vay giải quyết việc làm chiếm trên 18,2 tỉ đồng, với 578 hộ vay. Năm 2019, tổng số hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo toàn huyện là 280 hộ. Với nguồn vốn trợ lực từ NHCSXH, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả được hình thành, phát triển, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định chính trị, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

 

Chia sẻ bài viết