23/08/2019 - 15:10

Thoát nghèo nhờ trồng rau an toàn 

Với diện tích đất khoảng 0,5ha, các hộ nông dân xã Định Môn, huyện Thới Lai, tham gia mô hình trồng rau an toàn đã có thu nhập ổn định hằng ngày. Đầu ra ngày càng mở rộng, mô hình này đang thu hút nhiều bà con tham gia, dần hình thành các tổ hợp tác lớn, có sức cung ứng, cạnh tranh tốt hơn.

Mô hình trồng mướp chuyên canh tại xã Định Môn.

Mô hình trồng mướp chuyên canh tại xã Định Môn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, phấn khởi nói: “Theo định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng của xã, những cánh đồng có điều kiện không thuận lợi để trồng lúa đều được tư vấn sang canh tác rau màu. Những hộ có diện tích đất dưới 3 công đều được tư vấn trồng rau an toàn. Những hộ đi đầu đạt kết quả tốt đã thu hút nhiều bà con tham gia vào mô hình này”.

Xã Định Môn đã có 2 tổ hợp tác trồng rau an toàn. Trung bình 1 công đất trồng rau an toàn cho thu nhập  150.000 đồng/ngày. Tùy từng loại rau màu mà thu nhập của bà con có thể cao hơn. Với ưu điểm chỉ cần ít đất, ít vốn, vòng quay ngắn, hạn chế được rủi ro nên tổ hợp tác đã thu hút được nhiều thành viên tham gia. Đây cũng là mô hình đã giúp nhiều hộ Khmer tại xã Định Môn thoát nghèo, ổn định được cuộc sống.

Ông Đào Sinh, một trong những hộ trồng rau an toàn lâu năm tại ấp Định Hòa B, xã Định Môn, chia sẻ: “Một thời gian dài tôi chủ yếu chuyên canh lúa, nhưng do đất gò cao nên năng suất thấp. Từ lúc chuyển 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Có thu nhập ổn định tôi “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tư vào vườn cây ăn trái. Trồng rau so với chăn nuôi thì dễ dàng hơn do không chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh và giá cả bấp bênh. Nếu giá xuống thấp thì mình chuyển loại rau khác, hoặc để đất phục hồi rồi canh tác tiếp vụ sau”.

Các loại rau, củ, quả được tổ hợp tác trồng chủ yếu là sử dụng trong đám tiệc, bếp ăn tập thể của các trường học, công ty. Đây là những đối tượng có nhu cầu sử dụng rau an toàn với số lượng lớn, thường xuyên. Một số đơn vị còn ký hợp đồng bao tiêu, bao giá cho người nông dân.

Anh Liêu Văn Liêm, chủ sạp rau củ tại chợ Thới Lai, cho biết: “Hiện nay người dân đã có ý thức rất cao về an toàn thực phẩm. Bà con đến chợ thường tìm mua rau an toàn dù giá đắt hơn. Đặc biệt là các bếp ăn tập thể hay các đơn vị nhận đặt tiệc cưới đều ưu tiên dùng rau sạch để hạn chế rủi ro ngộ độc thức ăn tập thể”. 

Một trong những loại rau được trồng nhiều nhất là mướp và rau xà lách. Anh Đào Minh Luân ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, chia sẻ: “Hiện gia đình tôi chỉ chuyên canh cây mướp, diện tích 2ha đem lại thu nhập cho gia đình gần 150 triệu đồng/năm. Trồng mướp so với các loại rau khác cần ít công chăm sóc hơn, thu hoạch cũng dễ dàng. Hiện nhiều bà con Khmer ở Định Môn cũng khấm khá nhờ cây mướp, đa phần nông hộ đều có mối quen là các bếp ăn tập thể bao tiêu nên không lo ế ẩm”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, cho biết thêm: “Định Môn đang tiếp tục vận động các hộ có diện tích đất nhỏ hoặc những hộ có đất trong khu vực bị hạn chế chăn nuôi tham gia mô hình trồng rau sạch. Chính quyền sẽ hỗ trợ hướng dẫn để bà con có các loại giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn thực phẩm, cũng như hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các hộ mới tham gia. Dự kiến đầu năm 2020 sẽ ra mắt một HTX rau an toàn đầu tiên của xã”.

Bài, ảnh: Thành Phú

Chia sẻ bài viết