08/05/2019 - 08:31

Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ sau bầu cử 

Trong động thái gây tranh cãi, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-5 đã hủy bỏ kết quả bầu cử thị trưởng thành phố Istanbul sau khi đảng Công lý và Phát triển (AK) của Tổng thống Tayyip Erdogan khiếu nại và yêu cầu tiến hành bỏ phiếu lại.

Biểu tình nổ ra ở khắp Istanbul sau quyết định tiến hành bầu cử lại. Ảnh: Reuters

Theo quyết định của Ủy ban Bầu cử tối cao (YSK), cuộc bỏ phiếu mới bầu thị trưởng Istanbul sẽ được tổ chức vào ngày 23-6. Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ từng tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử khi AK lần đầu tiên trong hơn một thập niên đánh mất thế đa số và thất bại trong việc tìm đối tác lập chính phủ.

Trong hơn 16 năm qua, Tổng thống Erdogan chi phối chính trường Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự ủng hộ của nhóm cử tri Hồi giáo. Nhưng trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 3, đảng của ông Erdogan mặc dù chiến thắng tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc nhưng lần đầu tiên bị đánh bại ở Thủ đô Ankara và để mất Istanbul vào tay phe đối lập. Không đồng ý với kết quả trên, Tổng thống Erdogan đã hai lần đề nghị hủy kết quả và tổ chức lại cuộc bầu cử tại thành phố lớn nhất đất nước vì cho rằng khoảng 14.000 phiếu bầu là của các cử tri không đủ tư cách. Nắm chức thị trưởng Istanbul vào cuối những năm 1990, ông Erdogan từng cho rằng “Ai chiến thắng ở Istanbul sẽ thắng Thổ Nhĩ Kỳ”.

Vốn chiến thắng tại Istanbul, đảng Nhân dân Cộng hòa (CH) đối lập cho rằng quyết định của YSK phản ánh sự “chuyên chế rõ ràng” của chính quyền Erdogan. Đáp lại tuyên bố của AK, rằng có “sự bất thường và tham nhũng” đằng sau chiến thắng mỏng manh của phe đối lập, Phó chủ tịch CH Onursal Adiguzel chỉ trích chính quyền Ankara “phản bội” nguyện vọng của người dân, coi thường luật pháp, qua đó cho thấy “sự không dân chủ và bất hợp pháp”. Ekrem Imamoglu, ứng viên CH chiến thắng trong cuộc đua trước cựu Thủ tướng Binali Yildirim của AK, cáo buộc cơ quan bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ chịu áp lực chính trị và đã “cúi mình” trước chính phủ. Theo một nghị sĩ CH, AK thậm chí còn “gây áp lực và đe dọa” bỏ tù các thành viên YSK nếu họ phản đối tiến hành bầu cử lại.

Giới quan sát nhận định, việc tiến hành bầu cử lại đã và đang làm xói mòn nền dân chủ quốc gia Á-Âu. Kati Piri, báo cáo viên của Nghị viện châu Âu phụ trách vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng sự tín nhiệm đối với tiến trình chuyển đổi quyền lực thông qua bầu cử dân chủ tại nước này đã bị “phá hủy”. Thậm chí, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông coi quyết định đảo ngược kết quả bầu cử thị trưởng Istanbul là hành vi “bóp méo” dân chủ nghiêm trọng nhất kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc bỏ phiếu bầu cử tự do và công bằng đầu tiên vào năm 1950.

Sau tin tức tái bầu cử, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã giảm hơn 30% trong năm qua, tiếp tục lao dốc vào chiều ngày 6-5.  Tỷ lệ lạm phát khoảng 20% và thất nghiệp gần chạm mốc 15% là nguyên nhân khiến nhiều cử tri quay lưng với đảng cầm quyền AK trong cuộc bầu cử ngày 31-3. Vì lẽ này, một số nhà phân tích cho rằng tiến hành bầu cử lại trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay là chiến lược đầy rủi ro, có thể mở đường cho chiến thắng lớn hơn của ứng viên đối lập. Mặt khác, theo BBC, diễn biến này cũng khiến đảng của ông Erdogan bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên tin rằng “chiến thắng” của họ bị phe đối lập “đánh cắp” trong khi những thành viên khác chấp nhận kết quả thất bại.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết