10/08/2016 - 21:55

Thổ Nhĩ Kỳ “bắt tay” Nga trong căng thẳng với phương Tây

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mở ra bước tiến lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Ankara và Mát-xcơ-va sau khi lãnh đạo hai bên đạt được nhiều thỏa thuận về thương mại, năng lượng, quốc phòng trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng với phương Tây vẫn chưa hạ nhiệt.

Cải thiện quan hệ với Nga

Đón tiếp Tổng thống Erdogan tại một cung điện thời Sa hoàng ở ngoại ô thành phố St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Mát-xcơ-va sẽ ưu tiên xem xét đưa mối quan hệ hai nước trở về mức trước khủng hoảng sau vụ không lực Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay phản lực Nga gần biên giới Syria hồi tháng 11-2015. Theo đó, Mát-xcơ-va sẽ giảm dần lệnh trừng phạt chống lại Ankara thông qua việc khôi phục quan hệ hợp tác ở một số dự án thương mại, năng lượng và quốc phòng.

Tổng thống Nga Putin (trái) tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 9-8. Ảnh: Reuters

 

Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng tái khởi động dự án đường ống dẫn khí trị giá 20 tỉ USD và kế hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ do nhà thầu Nga xây dựng. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo còn tổ chức phiên họp kín về cuộc chiến tại Syria vốn chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện tại, Nga vẫn duy trì quan điểm ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Ankara muốn nhà lãnh đạo Syria phải ra đi. Theo cựu Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Thổ Nhĩ Kỳ Marc Pierini, khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua những bất đồng về cuộc xung đột ở Syria là không lớn. Tuy nhiên, hai nước bước đầu có thể hợp tác thông qua các chiến dịch chống khủng bố.

"Mặc cả" với EU

Đây là chuyến đi đầu tiên của Tổng thống Erdogan kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng trước. Vụ việc khiến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các nước châu Âu rạn nứt sau làn sóng chỉ trích của EU đối với chiến dịch trấn áp quy mô mà chính quyền Ankara nhằm vào những người được cho là thành phần chống đối.

Theo chuyên gia phân tích Jeffrey Mankoff của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), việc Mỹ và đồng minh phương Tây có phản ứng hoàn toàn trái ngược với Nga sau cuộc đảo chính đã khiến ông Erdogan "thất vọng", thậm chí coi đây là "hành động phản bội". Do đó, chuyến đi của ông Erdogan phần nào cho thấy chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang Nga tại thời điểm mối quan hệ Ankara và phương Tây lâm vào bế tắc. Học giả Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie ở Mát-xcơ-va nhận định, chuyến đi của ông Erdogan còn có thể được coi là để "mặc cả" với EU cũng như chứng minh rằng Ankara có thể xích lại gần Nga và tách khỏi phương Tây.

Ngày 10-8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng EU đang phạm những sai lầm nghiêm trọng trong phản ứng về vụ đảo chính bất thành trung tuần tháng 7 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và nếu liên minh này "để mất" Ankara, thì đó là do chính họ gây ra chứ không phải vì mối quan hệ tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.

Đối với diễn biến hiện nay, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây lo ngại việc tái lập quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây áp lực lên Washington và EU mà còn khuấy động căng thẳng nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên.

Cảnh báo Mỹ

Đến nay, chính quyền Tổng thống Erdogan vẫn cáo buộc giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong ở Mỹ Fethullah Gulen là người đứng sau dàn dựng cuộc đảo chính bất thành vừa qua. Ankara cũng nhiều lần tăng sức ép yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ 75 tuổi về nước bất chấp ông này phủ nhận các cáo buộc trên.

Hôm 9-8, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về những tổn hại trong quan hệ song phương nếu Washington không dẫn độ ông Gulen. Theo Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag, Mỹ không nên "hy sinh quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì lợi ích của một kẻ khủng bố". Bộ trưởng Bozdag nói thêm rằng xu hướng bài Mỹ liên quan vấn đề ông Gulen đang lan rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Qua đó, ông Bozdag kêu gọi Washington "phải hành động trước khi tình hình trở nên tồi tệ".

Đáp lại, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết Washington tin tưởng quan hệ hữu nghị, đồng minh và đối tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là "mối quan hệ bền vững". Tuy nhiên, việc dẫn độ giáo sĩ Gulen phải tuân theo tiến trình và quy tắc của pháp luật dựa trên hiệp ước dẫn độ ký kết giữa hai nước từ năm 1981. Đại diện ngoại giao Mỹ cũng cho biết lời lẽ cáo buộc của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ rằng một tổ chức ở Washington đứng đằng sau âm mưu đảo chính là "thuyết âm mưu vô dụng", đồng thời nhấn mạnh Mỹ hy vọng ​​các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ "phải có trách nhiệm đối với những tuyên bố của mình".

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết