24/03/2012 - 16:50

ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC

Thiếu kinh phí thực hiện

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố làm việc với Ban giám hiệu Trường mầm non Thường Thạnh ở sân trường.

Thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên của Chính phủ, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố, mạng lưới trường học của thành phố không ngừng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, nên hiện nay ở các địa phương vẫn còn nhiều trường, lớp tạm bợ, xuống cấp.

QUẬN CŨNG GẶP KHÓ KHĂN...

Đầu giờ chiều, một ngày đầu tháng 3 -2012, chúng tôi cùng Đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố đến Trường mầm non Thường Thạnh, quận Cái Răng. Thấy đoàn công tác, các thành viên Ban Giám hiệu trường rất lúng túng, vì không biết mời khách ngồi ở đâu trong căn phòng làm việc chật hẹp, chỉ rộng chừng 20m2. Các thành viên đoàn giám sát đành gợi ý Ban giám hiệu trường mượn ghế ngồi của các cháu mầm non để ngồi làm việc ngoài sân trường. Mặc dù là điểm chính của trường, nhưng tại đây cũng chỉ có 1 phòng học và 1 phòng làm việc của Ban Giám hiệu. Cô Trần Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường cho biết: “Trường có 8 phòng học, với tổng số 15 lớp/ 297 trẻ. Ngoài điểm chính, trường còn có 5 điểm lẻ. Hầu hết các điểm học của trường đều mượn điểm của trường tiểu học, đất của dân hoặc dạng nhà ở tổ y tế, nhà văn hóa, hay thuê mướn. Do vậy, diện tích phòng học, sân chơi chưa đảm bảo cho các cháu hoạt động vui chơi”.

Nhiều thành viên Đoàn giám sát thật sự xúc động khi nhìn thấy 21 học sinh của Trường mầm mon Thường Thạnh chen chúc nhau trong căn phòng rộng chừng 40m2 tại một điểm lẻ của trường. Căn phòng được lợp tôn, vách tôn, nóng hầm hập, 21 trẻ đang cùng cô giáo ê a ca hát. Ông Trần Văn Nam, thành viên Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố, nói: “Nhìn các cháu học trong môi trường như vầy, tôi thật xót xa. Quận Cái Răng cần bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trường học đàng hoàng cho các cháu”. Một thành viên Đoàn giám sát, cho rằng: theo quy chuẩn, diện tích đất bình quân/học sinh ở các quận là 6m2/học sinh. Nhưng việc có tới 21 cháu học trong căn phòng chưa đầy 40m2 là quá chật hẹp.

Theo báo cáo của UBND quận Cái Răng, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2011, quận đã thực hiện được 2 công trình trường, lớp học là Trường THCS Phú Thứ và Trường mầm non Lê Bình với tổng mức đầu tư 11,6 tỉ đồng. Hiện nay, nhu cầu đầu tư xây dựng mới trường, lớp học trên địa bàn quận Cái Răng khá nhiều. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên việc đầu tư hằng năm chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, quận có 7 dự án đầu tư xây dựng trường học đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có vốn xây dựng. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, để từng bước hoàn chỉnh cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, UBND quận đã có kế hoạch đầu tư xây dựng các trường, trong đó có trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, khó khăn lớn của quận hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, quận đã tiến hành giải phóng mặt bằng được 7 dự án xây dựng trường học, nhưng chưa có kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”.

HUYỆN CÀNG KHÓ HƠN...

Khi chúng tôi đến Trường Tiểu học Đông Hiệp 1, tại xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ có 3 điểm lẻ, nhưng cơ sở vật chất đang xuống cấp, nhiều bàn ghế xiêu vẹo gây khó khăn cho việc dạy và học. Bên cạnh đó, hệ thống khuôn viên trường rất hẹp, sân trường ẩm thấp, thường xuyên bị ngập nước mỗi khi triều cường hay những lúc mưa lớn. Do diện tích trường không đảm bảo, để giải quyết nhà ở cho giáo viên, trường đã xây dựng tạm nhiều nhà tập thể ngay trên khuôn viên trường, ảnh hưởng đến việc giảng dạy và vẻ mỹ quan của trường. Ông Nguyễn Thanh Gom, Phó Hiệu trưởng Trường Đông Hiệp 1, cho biết: “Do hệ thống trường, lớp đã xuống cấp, những lúc trời mưa lớn, nước mưa tạt vào phòng, khiến học sinh phải di chuyển chỗ ngồi; còn vào mùa nắng, học sinh bị nắng chiếu vào nơi học. Để các em học sinh an tâm học, nhà trường đã mua tấm bạt, làm la phông để hạn chế mưa dột và dùng vải để che nắng nhưng chỉ tạm thời. Hiện nay, trường đã có vị trí di dời nhưng phần đất chưa được bồi thường nên khó khăn cho việc xây dựng”.

Một số trường được đầu tư xây dựng mới nhưng trang thiết bị, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, khó khăn. Điển hình như Trường Trung học Cơ sở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, được xây dựng khang trang vào năm 2005, với 36 phòng (22 phòng học, 14 phòng chức năng) trên diện tích gần 10.000m2. Năm 2009, trường được xét đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay trường còn thiếu các phòng chức năng: các phòng nghe, nhìn, phòng học nhạc chưa tách biệt ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh. Ông Huỳnh Ngọc Xinh, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Mặc dù trường đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện nay một số trường gặp phải một số khó khăn, như: Trường nằm trong quy hoạch khu đô thị thị trấn Cờ Đỏ, diện tích đất bị ảnh hưởng trên 1.600m2, phải giải tỏa di dời 19 nhà ở cho giáo viên (13 nhà tập thể, 6 nhà công vụ), 1 nhà bảo vệ,... Bên cạnh đó, trường chưa có cổng chính, phải đi cổng phụ gần 7 năm qua. Tôi kiến nghị đến các ngành, các cơ quan chức năng huyện cần xem xét lại bản thiết kế để đảm bảo diện tích đất và nhà ở cho giáo viên”. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Phần lớn cơ sở vật chất các trường trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là các điểm lẻ. Nhiều trường chưa đáp ứng nhu cầu dạy 2 buổi/ ngày. Về lâu dài, cần phải quy hoạch lại mạng lưới trường lớp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục”.

Huyện Cờ Đỏ có 49 đơn vị trường học/125 điểm với 695 phòng học từ mầm non đến THCS. Trong đó, có 282 phòng học kiên cố; 345 phòng học bán kiên cố và 38 phòng học tạm. Trong giai đoạn 2008-2012, kinh phí thực hiện Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia với tổng kinh phí gần 17 tỉ đồng. Do vậy, chưa đáp ứng nhu cầu hoàn thiện, phát triển mạng lưới trường lớp. Hiện nay, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện còn rộng, nhiều điểm lẻ; việc phân bổ nguồn kinh phí hạn hẹp, nên tiến độ đầu tư xây dựng trường lớp trên địa bàn còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu; tình trạng phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị của các trường còn thiếu và đang xuống cấp, gây khó khăn cho việc dạy và học, nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất xuống cấp; cơ sở vật chất thiếu phải học nhờ, học tạm ở các trường tiểu học, nhà dân;... Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện cần bố trí, quy hoạch lại các trường lớp; nhất là cấp học mầm non vì nhiều trường vẫn còn nhiều lớp học tạm bợ, mượn nhà dân,... UBND huyện đề nghị thành phố bổ sung thêm kinh phí để huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học trong thời gian tới để phục vụ cho việc dạy và học ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao trình độ dân trí huyện nói riêng và TP Cần Thơ nói chung”...

CẦN TẬP TRUNG ĐẦU TƯ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Thiếu kinh phí thực hiện, nên tiến độ thực hiện Đề án kiên cố hóa trường học nói riêng và việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trường lớp chậm cũng là khó khăn chung của các quận, huyện khác. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tổng nguồn vốn thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 gần 324 tỉ đồng; trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ là gần 64,8 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Đến nay, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đã cơ bản giải ngân xong, riêng vốn đối ứng từ ngân sách thành phố mới giải ngân được 110,65 tỉ đồng. Do vậy, để thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, ngân sách thành phố cần bổ sung thêm 148,4 tỉ đồng. Ngân sách thành phố gặp khó khăn, thì các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện đề án. Bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng Ban Văn hóa- xã hội, Trưởng Đoàn giám sát, nhận xét: “Do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 chỉ có 20% kinh phí, ngân sách địa phương bố trí tới 80%, nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện Đề án. Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị đến Trung ương nâng mức hỗ trợ lên 40% kinh phí”...

Hy vọng rằng với sự quan tâm của thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương, Đề án kiên cố trường lớp học và nhà công vụ giáo viên trên địa bàn thành phố sẽ sớm hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố.

QUANG KHUÊ - THANH THƯ

Chia sẻ bài viết