28/07/2015 - 21:18

Thiên nhiên tác động tích cực tới sức khỏe tâm thần như thế nào?

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy cư dân thành thị có nguy cơ bị mắc chứng lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác cao hơn so với những người sống ở nơi có nhiều không gian cây xanh. Nghiên cứu gần đây chứng minh mối liên hệ giữa thói quen tương tác với thiên nhiên và sự cải thiện sức khỏe não bộ.

Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng cư dân đô thị ít tiếp cận với không gian sống xanh có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tâm lý so với người sống gần các công viên, và người thành thị thường lui tới những nơi có nhiều cây xanh có hàm lượng các hoóc-môn gây stress thấp hơn người ít khi ra ngoài trời. Tuy nhiên, bằng cách nào công viên và không gian xanh có thể thay đổi tâm trạng con người thì chưa được chỉ ra, vì vậy, các chuyên gia tại Đại học Stanford (Mỹ) đã tiến hành điều nghiên tác động của cuộc sống đô thị đối với sức khỏe tâm thần.

Trong nghiên cứu được công bố hồi tháng 6, Gregory Bratman và các cộng sự phát hiện những tình nguyện viên đi dạo trong khuôn viên xanh mướt ở Đại học Stanford có mức độ tập trung và cảm giác hạnh phúc cao hơn so với nhóm đi dạo nhưng ở khu vực gần đường giao thông đông đúc với thời gian tương đương. Nhưng nghiên cứu này không kiểm tra được cơ chế sinh học thần kinh có thể chỉ ra tác động của việc hòa mình vào thiên nhiên. Do đó trong nghiên cứu mới, vừa công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS)trung tuần tháng 7, nhóm chuyên gia do Bratman dẫn đầu đã nghiên cứu cẩn thận việc đi dạo giữa thiên nhiên ảnh hưởng gì tới xu hướng sức khỏe tâm thần của một người.

Ảnh: Taxer Hof

Họ yêu cầu 38 tình nguyện viên khỏe mạnh sống ở thành thị hoàn thành bảng câu hỏi để tự đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của bản thân. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra hoạt động não tại vùng vỏ não trước trán - chi phối cảm xúc, chịu trách nhiệm ghi nhớ và ra quyết định - ở mỗi tình nguyện viên bằng cách chụp ảnh quét não để theo dõi lưu lượng máu trong não (lưu lượng máu càng nhiều chứng tỏ khu vực não đó càng bận bịu). Tiếp theo, các chuyên gia chọn ngẫu nhiên 19 người và yêu cầu họ đi dạo 90 phút tại khu vực có nhiều cây xanh trong khuôn viên của trường, trong khi nhóm còn lại đi dạo tại khu vực gần đường cao tốc, nhiều làn xe và ồn ào. Tất cả những người tham gia đều đi một mình với tốc độ tùy ý và không được nghe nhạc. Ngay khi hoàn thành cuộc đi dạo, họ được kiểm tra lại bằng bảng câu hỏi và phương pháp quét não.

Đối chiếu kết quả đánh giá từ bảng câu hỏi, các chuyên gia ghi nhận nhóm đi dạo trong khuôn viên yên tĩnh và nhiều cây xanh đã cải thiện phần nào sức khỏe tinh thần, cụ thể là không còn bị ức chế bởi các mặt tiêu cực của cuộc sống nhiều như trước khi hòa mình vào thiên nhiên. Đặc biệt, lưu lượng máu của họ đổ về vùng vỏ não trước trán ít hơn – đồng nghĩa não của họ cũng yên bình hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu Bratman kết luận "kết quả này nhấn mạnh rằng việc hòa mình vào môi trường tự nhiên là cách dễ dàng và nhanh chóng để cải thiện tâm trạng cho cư dân thành thị" – đối tượng ít thời gian đi dạo trong công viên và thường có lối sống tĩnh tại. Trước đó, nghiên cứu của nhóm chuyên gia đến từ Đại học Utah và các viện nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy chỉ cần dành ra 2 phút mỗi giờ để đi bộ thay vì ngồi lì một chỗ, chúng ta có thể giảm đáng kể tác động tiêu cực của thói quen tĩnh tại (như nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì, bệnh thận hoặc chết sớm).

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của 3.626 người (cả nam lẫn nữ), đa số đều khỏe mạnh ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu, sau đó chia thời gian trong ngày của các đối tượng dành cho những hoạt động cụ thể, gồm thời gian ngồi làm việc và tham gia vào các hoạt động có cường độ từ thấp đến cao. Kết quả thật bất ngờ khi ngay cả hoạt động có cường độ thấp nhất như đứng cũng làm giảm nguy cơ tử vong, dù ít. Đáng kể nhất là những người dành ra 2 phút đi dạo mỗi giờ đã giảm tới 33% nguy cơ chết sớm so với những người ngồi liên tục.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Srinivasan Beddhu, cho biết kết quả trên rất đáng khích lệ, đặc biệt là khi thói quen dành 2 phút mỗi giờ để đi dạo còn khiến người ta trở nên năng động hơn. Cụ thể, nghiên cứu ghi nhận những người có thói quen này đã dành nhiều thời gian hơn để đứng, đồng nghĩa nguy cơ chết sớm của họ càng giảm.

AN NHIÊN (Theo NYT, Huffington Post)

Chia sẻ bài viết