25/07/2008 - 20:56

Thiên nhiên là “bậc thầy” của y học

Tim của cá voi lưng gù gợi mở một liệu pháp điều trị có thể thay thế máy điều hòa nhịp tim ở người.

Y học phải học hỏi nhiều từ thiên nhiên. Thiên nhiên khơi nguồn cảm hứng giúp giới khoa học tìm ra liệu pháp chữa bệnh cho con người. Ước tính có hàng triệu hợp chất trong thiên nhiên có thể chữa trị bệnh, giúp cải thiện phương pháp điều trị và thậm chí giúp cơ thể miễn dịch với một số loại vi khuẩn. Hiện nay, cá voi lưng gù, hải sâm, tảo đỏ ở Úc, tinh tinh... đang “đưa đường dẫn lối” trong y học.

Cá voi lưng gù – “chìa khóa” trị bệnh tim

Cấu trúc tim của cá voi lưng gù có thể gợi mở ra hướng điều trị mới đối với chứng rối loạn nhịp tim. Quả tim của loài cá này có thể bơm một lượng máu khổng lồ, tương đương 6 bồn tắm, khắp hệ tuần hoàn vốn phức tạp gấp 4.500 lần so với hệ tuần hoàn của chúng ta chỉ trong 3 nhịp đập một phút. Chính kỳ công này đã hấp dẫn các nhà khoa học. Trong quá trình nghiên cứu tim của cá voi lưng gù, Tiến sĩ Jorge Reynolds (chuyên gia tim mạch hàng đầu ở Mỹ nổi tiếng với ca ghép máy điều hòa nhịp tim đầu tiên trên thế giới cho một linh mục giúp bệnh nhân sống thêm 17 năm) đã phát hiện những “sợi dây” kích cỡ nano. Những sợi dây này đóng vai trò truyền dẫn tín hiệu điện, thậm chí qua những khối mỡ không dẫn điện, để kích thích nhịp tim.

Khám phá trên có thể là chìa khóa giúp các nhà khoa học nghiên cứu cách thay thế máy điều hòa nhịp tim. Thay vì phải gắn máy điều hòa nhịp tim chạy bằng pin, các sợi dây nano của cá voi có thể dùng để kích thích nhịp tim. Nếu được cấy một thiết bị giống dây nano của cá voi, bệnh nhân có thể không cần phải trải qua phẫu thuật thay pin nhiều lần như máy điều hòa nhịp tim hiện nay. Chưa hết, chi phí chế tạo công nghệ này chỉ tốn có vài cent trong khi máy điều hòa nhịp tim hiện có giá trung bình từ 200 USD trở lên. Nếu được áp dụng, công nghệ “dây nano cá voi” hứa hẹn giúp chúng ta tiết kiệm hàng tỉ USD.

Hải sâm – điều trị bệnh Parkinson, đột quị, chấn thương cột sống

Tại Đại học Cleveland Reserve West (bang Ohio, Mỹ), Jeffrey Capadona đã tiên phong trong việc chế tạo một loại vật liệu có thể giúp chữa trị chứng liệt rung (bệnh Parkinson), tai biến mạch máu não và chấn thương tủy sống. Chính hải sâm – loài sinh vật biển có lớp da có thể dễ dàng chuyển đổi từ trạng thái cứng nhắc sang mềm dẻo – đã mang lại cảm hứng cho Capadona. Nhà nghiên cứu này cho rằng các điện cực bé tí cấy trong não thỉnh thoảng được dùng để chữa trị bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não và chấn thương cột sống, nhưng theo thời gian, chúng trở nên kém hiệu quả do các mô sẹo hình thành xung quanh. Sử dụng chất liệu mới – được chế tạo dựa theo da của hải sâm – có thể cải thiện hiệu quả điều trị do vật liệu này ngày qua ngày có thể trở nên mềm dẻo hơn.

Tảo đỏ – kháng khuẩn

Tảo đỏ Delicia pulchra được tìm thấy gần bờ biển Australia không có biofilm bám trên bề mặt. Biofilm là tổ hợp vi khuẩn gây ra 70% các căn bệnh truyền nhiễm ở người. Từ việc xác định hợp chất bảo vệ tảo khỏi sự tấn công của biofilm, các nhà nghiên cứu Đại học New South Wales cho rằng nó cũng có khả năng kiểm soát vi khuẩn, và sẽ không phát sinh tình trạng “kháng thuốc”.

Các nhà khoa học cho rằng thiên nhiên dường như đã thực hiện tất cả phần việc khó cho y học. Tinh tinh, cá voi và hầu như tất cả các loài trên Trái đất đã học cách sinh tồn qua hàng triệu năm. Khi tinh tinh bị bệnh, chúng tìm đến những cây được phát hiện có chứa một hợp chất có khả năng chữa giun kim, giun móc và giardia – ký sinh trùng trong ruột non người. Theo Nick Nuttall - phát ngôn viên Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nhiều dược phẩm nổi tiếng trên thế giới như aspirin, penicillin và thuốc chống ung thư vú taxol đều ra đời từ nguồn cảm hứng do thiên nhiên mang lại.

H.A (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết