04/03/2021 - 09:53

Thích ứng để tạo đột phá từ kinh tế số 

Nói đến kinh tế số không thể không đề cập đến hoạt động thương mại điện tử. Bởi lĩnh vực này có bước tăng trưởng ấn tượng và được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Theo Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, với quy mô ban đầu là 3 tỉ USD năm 2015 nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình tới 38%, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỉ USD. Báo cáo này dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỉ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.

“Xâm lấn” mọi lĩnh vực

Nông dân sử dụng điện thoại thông minh điều khiển nước tưới tại một vườn sầu riêng của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Nông dân sử dụng điện thoại thông minh điều khiển nước tưới tại một vườn sầu riêng của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Lĩnh vực du lịch cũng được xem là mảnh đất màu mỡ để kinh tế số phát triển. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, khẳng định: Du lịch trực tuyến phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại công nghệ 4.0 cũng như sự lên ngôi của mạng xã hội. Dịch vụ du lịch và khách sạn được xếp thứ hai trong năm mối quan tâm hàng đầu của người dùng các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng để truy cập internet. Có 63% khách du lịch sử dụng smartphone để tìm kiếm thông tin và dịch vụ du lịch như chuyến bay, khách sạn, thuê xe và thực hiện đặt dịch vụ thông qua thiết bị di động. 72% khách du lịch mong muốn các chủ kinh doanh tạo điều kiện để họ đặt lệnh qua điện thoại và 54% hy vọng chủ kinh doanh tương tác với họ qua thiết bị di động.

Không chỉ lĩnh vực thương mại, dịch vụ mà ngành nông nghiệp cũng đã và đang dần được số hóa. Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, nông nghiệp kỹ thuật số ngày càng thay đổi hoạt động nông nghiệp của thế giới, giúp nông dân sản xuất ngày càng nhiều hơn trong khi các điều kiện thiên nhiên, vật tư nông nghiệp bị giới hạn. Tại vùng ĐBSCL, mô hình của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh đang ứng dụng công nghệ 4.0 để điều khiển máy bơm khi độ mặn nước trong kênh giảm xuống và nước ngọt vào ruộng lúa trồng ven biển Trà Vinh. Những nhà màng tiến bộ hiện nay đã dùng kỹ thuật số để điều khiển việc pha dưỡng chất và điều hòa hệ thống dinh dưỡng hoàn toàn tự động. Nhiệt độ bên trong và ánh sáng của nhà màng cũng được điều chỉnh bằng cảm biến có thể điều khiển từ xa. Việc dùng tia laser điều khiển máy ủi đất để trang bằng đất ruộng đang được sử dụng khá nhiều tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL...

Nhiều dư địa phát triển

Các nhà hoạch định chiến lược và chính sách vĩ mô hàng đầu của Việt Nam đã nhận rõ ý nghĩa lớn lao của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. Tháng 9-2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đề cập đến việc phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội và đặt ra mục tiêu tới năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP. Tháng 5-2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tiếp theo là Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khoảng cách giữa mong muốn và quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách với thực tế phụ thuộc đáng kể vào việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, bao gồm pháp luật về thương mại, đầu tư, kinh doanh. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng.

TS Nguyễn Anh Tuấn, nhận định: Du lịch trực tuyến mang lại cả những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, điểm đến du lịch và quản lý. Trong đó, doanh nghiệp Việt có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các tiện ích trực tuyến (đặt chỗ, đặt chuyến, đổi, xuất vé và thanh toán). Song song đó, rào cản lớn nhất để phát triển du lịch trực tuyến ở Việt Nam là năng lực sẵn sàng về công nghệ thông tin. Vì vậy, các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho công nghệ thông tin để áp dụng trong kinh doanh và marketing du lịch; tăng cường các ứng dụng, tích hợp nhiều phần mềm vào trong một ứng dụng duy nhất để tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng dễ dàng.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, ước tính thế giới sẽ cần sản xuất thêm 56% lương thực để cung cấp cho hơn 9 tỉ người vào năm 2050. Để tạo “tương lai lương thực bền vững”, thế giới phải tăng sản lượng lương thực trong khi phải cắt giảm phát thải khí nhà kính và duy trì (hoặc giảm) diện tích đất nông nghiệp. Nông nghiệp kỹ thuật số có thể giải quyết những thách thức này bằng cách làm cho chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả hơn, công bằng và bền vững hơn với môi trường. Nền nông nghiệp nước ta hiện nay chưa đủ khả năng ứng dụng hết những tiềm năng của nông nghiệp kỹ thuật số do diện tích nhỏ lẻ, năng lực nhiều nông dân còn hạn chế và đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp kỹ thuật số, ngành Nông nghiệp phải có các bước nghiên cứu cụ thể mới có được những dữ liệu thích hợp. Song song đó là việc hình thành các trung tâm dịch vụ chuyên môn mới tạo được nối kết nông dân với các đối tượng liên quan.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết