* Washington kiện 17 định chế tài chính
|
Dân Mỹ xếp hàng tìm việc làm. Ảnh: Businessage |
Nền kinh tế số một thế giới chưa thể thoát khỏi nguy cơ suy thoái trở lại khi chỉ số việc làm trong tháng 8 vẫn chưa có gì khởi sắc. Trong khi đó, thị trường tài chính Mỹ và quốc tế đang bi quan chờ biện pháp kích thích mới của Tổng thống Barack Obama qua bài phát biểu vào ngày 8-9 tới.
Bộ Lao động Mỹ ngày 2-9 cho biết trong tháng 8 vừa qua, lĩnh vực tư nhân chỉ tạo ra 17.000 việc làm mới, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 9-2010 và thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu là 70.000 việc làm. Nhưng số việc làm ít ỏi mới cũng coi như bằng 0 khi lĩnh vực công trong 8 tháng đã bị cắt giảm con số tương đương. Trong khi đó, số việc làm mới trong tháng 7 lại được điều chỉnh từ 117.000 xuống chỉ còn 85.000, còn của tháng 6 từ 46.000 xuống 20.000. Mà không có nhiều việc làm mới được tạo ra thì khó kích thích tiêu dùng, tác nhân đóng góp khoảng 70% vào mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Thị trường lao động yếu đồng thời là “cơ hội” để các doanh nghiệp không tăng lương cho người lao động mà không sợ bị họ phản ứng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,7%, nên số liệu ảm đạm mới khiến các nhà phân tích lo ngại nguy cơ kinh tế Mỹ lâm vào giai đoạn suy thoái mới là khó tránh khỏi.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay vẫn ở mức 9,1%, cao hơn mức 7,8% khi ông Obama bước chân vào Nhà Trắng cách đây 3 năm với cam kết dành ưu tiên cho giải quyết việc làm. Số công dân Mỹ thất nghiệp vào khoảng 14 triệu, đó là chưa kể 11,4 triệu người chỉ làm việc bán thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp cao lại là chủ đề nhạy cảm của cử tri Mỹ, nên ông Obama sẽ phải khẩn cấp giải quyết trước cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 năm sau. Và bài phát biểu trước công chúng vào thứ Năm tới đang được dư luận chờ đợi. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo New York, tìm kiếm và đưa ra được giải pháp tạo việc làm là một cuộc đối đầu căng thẳng mới giữa ông Obama và phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Hai bên thường có chính sách kinh tế khác nhau; hơn nữa, những toan tính chính trị trước ngày bầu cử khiến cuộc đấu đá đó càng gay gắt.
Trước mắt, số liệu công bố của Bộ Lao động đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ và cả thế giới giảm theo. Chỉ số Dow Jones trong phiên đóng cửa ngày 2-9 giảm 2,2%, Nasdaq giảm 2,58%, S&P giảm 2,53%; chỉ số FTSE ở châu Âu giảm 2,5%, Nikkei của Nhật giảm 1,2%. Dự báo, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể tiếp tục tuột dốc vào tuần tới khi khu vực đồng euro bị lung lay vì cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp chưa có lối ra. Cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) ngày 2-9 đã kết thúc trong thất bại, trong khi kinh tế nước này được dự báo sẽ giảm ở mức nghiêm trọng 5% năm 2011 và các chuyên gia độc lập của Quốc hội Hy Lạp cho rằng nợ quốc gia đã “vượt ngoài tầm kiểm soát”.
* Ngày 2-9, Cơ quan Tài chính Nhà đất Liên bang Mỹ (FHFA) khởi kiện 17 ngân hàng và định chế tài chính lớn ở nước này vì đã vi phạm luật liên bang liên quan tới việc bán chứng khoán đảm bảo thế chấp nhà, gây nên các khoản lỗ trị giá hơn 41 tỉ USD. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong số 17 định chế bị kiện có các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ như Bank of America, Citigroup, JP Morgan Chase & Co. và Goldman Sachs.
FHFA quyết định kiện các định chế tài chính nói trên vì đã gộp các khoản thế chấp và bán chúng như chứng khoán cho các nhà đầu tư, trong khi các loại thế chấp này không đảm bảo tiêu chuẩn theo luật chứng khoán Mỹ. FHFA cũng cho rằng các định chế tài chính không tiến hành các bước thẩm định theo luật chứng khoán và bỏ qua các bằng chứng xác minh thu nhập của khách hàng vay tiền. Khi những người vay tiền không thể trả được tiền thế chấp, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp sẽ lập tức mất giá trị.
PHÚC GIA AN (Tổng hợp)