21/02/2010 - 20:56

Sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2010 tại ĐBSCL

Thị trường sẽ khởi sắc ?

Năm 2009, suy giảm kinh tế, rào cản kỹ thuật, thương mại các nước dựng lên ngày càng dày, thông tin dự báo cung- cầu chưa chính xác... tác động đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản và lần đầu tiên tăng trưởng âm. Năm 2010, thị trường được dự báo có khởi sắc hơn, nhưng rào cản kỹ thuật, thương mại các nước nhập khẩu ngày càng bó chặt hàng thủy sản Việt Nam, nhất là con cá tra đang đối mặt với nhiều nguy cơ...

NHỮNG MẢNG TỐI THỊ TRƯỜNG

Những tháng đầu năm 2009, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 30% diện tích nuôi cá tra bị “treo hầm” do ảnh hưởng của đợt thua lỗ vào cuối năm 2008, người nuôi không đủ điều kiện về tài chính để tái đầu tư. Tuy nhiên, những dự báo về nguồn cung thị trường sụt giảm, cầu tăng đã làm cho người nuôi đặt niềm tin trở lại vào con cá tra, đến cuối năm 2009, diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt 6.022 ha, bằng 100,4% kế hoạch năm. TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, An Giang luôn duy trì diện tích cao, ổn định với tổng diện tích nuôi chiếm 75,2% diện tích và 70% sản lượng toàn vùng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản lượng cá tra toàn vùng đạt trên 1,09 triệu tấn, đạt 91% kế hoạch năm 2009. Một số địa phương trong vùng nuôi đã mạnh dạn áp dụng mô hình theo quy trình SQF 1000 CM và SQF 2000 CM.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Panga Mekong (KCN Trà Nóc - TP Cần Thơ). 

Năm qua, tình trạng treo ao, giá cá bấp bênh khiến người nuôi bị thiệt. Trong khi giá thành nuôi cá trong năm 2009 tăng cao và dao động ở mức 13.800- 15.500 đồng/kg, giá cá tra thương phẩm chỉ 13.800- 15.800 đồng/kg tùy từng loại. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng giá các loại thức ăn tăng cao so với năm 2008 làm đội giá thành nuôi cá. Cụ thể: giá nguyên liệu bột cá hiện duy trì ở mức 13.000- 15.000 đồng/kg (tăng 4.000-5.000 đồng/kg so cùng kỳ), đậu nành 10.000-12.000 đồng/kg... Do vậy, đa số hộ nuôi qui mô nhỏ không có hợp đồng với nhà máy chế biến đều bị thua lỗ. Vào thời điểm cuối năm 2009, đầu năm 2010, giá cá tra nguyên liệu tăng trung bình 1.000 đồng/kg, người nuôi có lời 1.000- 1.500 đồng/kg; tình hình xuất khẩu cá cũng thuận lợi hơn, do quy định nới rộng tỷ giá giữa Việt Nam đồng so với đồng USD của Chính phủ. Song, tình trạng thiếu nguyên liệu lại diễn ra ở các nhà máy chế biến, do nhiều hộ nuôi cá bị thua lỗ từ năm 2008 chưa thể tái đầu tư.

Ngoài giá thức ăn, giá cá bấp bênh, tại một số thị trường xuất khẩu chính của cá tra vì nhiều lý do khác nhau đã dựng rào cản thương mại, kỹ thuật, thậm chí tại một số nước xuất hiện các thông tin sai lệch về cá tra để hạn chế sự xâm nhập của sản phẩm cá tra Việt Nam. Hầu hết các thị trường đều có tăng trưởng âm hoặc tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị. Đến cuối năm 2009, cả nước xuất khẩu 607.665 tấn cá tra với tổng kim ngạch trên 1,34 tỉ USD, giảm 5,2% về khối lượng và 6,7% về giá trị so với năm 2008. Sụt giảm mạnh nhất là thị trường Nga và Ukraina, cả năm 2009, chỉ xuất khẩu 37.710 tấn cá, giá trị đạt 62.124 triệu USD, giảm 46,3% về khối lượng và 54,7% về giá trị. Trong đó, khối lượng cá nhập khẩu vào Nga giảm 66,6%, giá trị kim ngạch giảm 65,8% so với năm 2008, thị trường này chỉ thực sự khởi sắc khi Bộ NN&PTNT có quyết định thành lập Ban điều hành xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nói: “Năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra sụt giảm ở các thị trường chính và giá xuất cũng không tăng. Trong khi nhận định của các chuyên gia ngay đầu năm 2009, đánh giá thị trường rất lạc quan, nhưng trên thực tế không như dự đoán. Nhưng không nên đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế khi thị trường bị sụt giảm, mà phải nhìn nhận khách quan, trung thực là trong việc chỉ đạo, điều hành còn yếu, chưa sâu sát với doanh nghiệp. Đây là bài học đắt giá để chúng ta có cách nhìn thực tế hơn về thị trường năm 2010”. Tuy nhiên, con cá tra vẫn duy trì được ở 3 thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Đức với kim ngạch trên 100 triệu USD, khối lượng xuất vào 3 thị trường này đều tăng, trong đó, Mỹ tăng 71,1% về khối lượng và 70,6% về giá trị. Mỹ hiện là thị trường tiềm năng cho con cá tra Việt Nam, năm 2009 đã tiêu thụ 41.609 tấn, trị giá trên 134 triệu USD. Mặt khác, Asean và Mexico là hai thị trường giữ được tốc độ tăng trưởng dương, ổn định nhất trong năm 2009.

TP Cần Thơ là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng cá tra lớn tại ĐBSCL. TP Cần Thơ hiện có 30 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó 22 nhà máy trực tiếp chế biến xuất khẩu cá tra, công suất khoảng 300.000 tấn nguyên liệu/năm. Năm 2009, sản lượng thủy sản xuất khẩu của thành phố đạt 161.500 tấn (đạt 97,3% kế hoạch năm) và tăng hơn 7,6% so cùng kỳ, với giá trị trên 423 triệu USD, tăng hơn 3,8% so cùng kỳ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2009 không ổn định, khiến cả người nuôi và doanh nghiệp (DN) đều khó. Giá cá tra nguyên liệu ở Cần Thơ dao động ở mức 13.500- 16.500 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi đã 13.500-15.000 đồng/kg, có nơi lên đến 16.000 đồng/kg. Nếu người nuôi liên kết với DN có khả năng lời khoảng 1.000 đồng/kg, còn không sẽ bị lỗ từ 1.000- 1.500 đồng/kg, một số hộ nuôi riêng lẻ đã bỏ trống ao không còn khả năng tái đầu tư tiếp. Năm 2009, diện tích ao bỏ trống khoảng 30-50%, chỉ đạt hơn 1.188 ha, sản lượng hơn 143.0134 tấn với 1.341 hộ nuôi cá, hầu hết là hộ nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm truyền thống và không ký hợp đồng sản xuất với nhà máy. Trong khi đó, việc triển khai các quy phạm về nuôi cá tra theo quy định của Bộ NN&PTNT tại Cần Thơ cũng gặp khó khăn, do ao nuôi đã có trước khi quy hoạch vùng nuôi.

Hiện ĐBSCL đã có quy hoạch vùng nuôi cá tra, tập trung tại một số địa phương ven sông Tiền, sông Hậu, nhưng việc quy hoạch lại vùng nuôi đang gặp nhiều khó khăn về chính sách, ưu đãi và việc thay đổi tập quán của người nuôi cũng rất nhiêu khê.

ĐỂ CÓ THỊ TRƯỜNG BỀN VỮNG

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho rằng, tại Cần Thơ đã có nhiều liên kết được thành lập giữa người nuôi và các DN chế biến thủy sản xuất khẩu như: ở Công ty Sahofood, Caseamex, MekongFish, Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An... nhưng việc nhân rộng mô hình để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, đã có các hợp đồng nguyên tắc bằng văn bản giữa DN và người nuôi trên cơ sở tin tưởng nhau để tiêu thụ cá tra nhưng những hợp đồng này không chặt chẽ. Khi cá nguyên liệu có giá, người nuôi thường tìm cách hủy hợp đồng và bán cho DN khác giá cao hơn, ngược lại, giá cá xuống thấp, DN viện có cỡ cá không đạt, chất lượng kém để không mua của dân. Tình trạng cung- cầu không ổn định, không chia sẻ được lợi ích chung cũng như rủi ro các bên tham gia chuỗi giá trị sản xuất cá tra làm cho sự phát triển vùng nuôi trở nên kém bền vững. Từ năm 2008- 2009, nhiều hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ bị thua lỗ, trong khi vốn sản xuất của người nuôi cá tra và các DN chủ yếu dựa vào ngân hàng, nên khi chưa trả đủ vốn vay, họ không thể tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ trong năm 2009 vừa qua, nên không đủ khả năng tái đầu tư. Thêm vào đó, cái khó hiện nay là chưa quản lý được giá thức ăn nuôi thủy sản, nên chưa giúp người nuôi giảm giá thành sản xuất. Để có thị trường ổn định, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ngay từ sản xuất con giống đến vùng nuôi, đồng thời, tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận vốn ưu đãi. Mặt khác, tăng cường chỉ đạo sản xuất tiêu thụ cá tra thông qua hợp đồng theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg và Chỉ thị 25/2008/CT-TTg của Chính phủ về bao tiêu nông sản.

Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm 2010, sản lượng thu hoạch cá tra toàn vùng ĐBSCL khoảng 630.000 tấn, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu ở nhà máy chế biến hiện tại. Mặt khác, năm 2010, xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn năm 2009, do một số nền kinh tế lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản... đang trên đà phục hồi. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã chính thức có hiệu lực, hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế. Xuất khẩu thủy sản vào Mỹ sẽ tăng mạnh nếu các DN chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại, xây dựng thương hiệu, tập trung sản xuất những mặt hàng có chất lượng cao...

Tuy nhiên, năm 2010, xu hướng bảo hộ thương mại, các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu sẽ tiếp tục là những trở ngại cho DN Việt Nam. Năm 2010, các DN tiếp tục đau đầu với bài toán nguyên liệu, khi mà đầu vào cho sản xuất nguyên liệu như vốn, thức ăn thủy sản và chi phí khác còn khó khăn, trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng vẫn chưa đưa về mức 0%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Các địa phương cần tuân thủ quy hoạch chung vùng nuôi cá tra, tập trung quản lý từ đầu vào đến đầu ra để đảm bảo chất lượng sản phẩm đi vào thị trường khó tính. Hài hòa lợi ích giữa DN và người nuôi. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ các thị trường truyền thống, các DN thủy sản Việt Nam cần phát triển thị trường tiêu thụ ở các nước mới như Mỹ La-tinh, Trung Đông và châu Phi - những thị trường tiềm năng có nền kinh tế phục hồi nhanh”. Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 413 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với kiến nghị của Bộ NN&PTNT về việc đưa sản phẩm cá tra vào nhóm sản phẩm chiến lược và giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành xây dựng các chính sách ưu đãi để phát triển bền vững sản phẩm này. Đây tiếp tục là đòn bẩy để sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL phát triển ổn định, bền vững hơn.

Theo kế hoạch năm 2010, sản lượng cá tra toàn vùng ĐBSCL sẽ đạt 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 600.000 tấn, tiêu thụ nội địa 100.000 tấn và giá trị kim ngạch khoảng 1,5 tỉ USD.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết