Quý III-2023, lao động ngành dệt may, da giày có tỷ lệ mất việc làm cao nhất. Mặc dù tỷ lệ lao động mất việc, giãn việc, thôi việc đã giảm nhiệt so với quý IV-2022, nhưng các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho thấy tốc độ tăng năm 2023 thấp hơn năm 2022. Vì vậy, triển vọng thị trường lao động vẫn bấp bênh.

Ngành may mặc đơn hàng giảm nên tỷ lệ thiếu việc làm trong ngành khá cao.
Sản xuất phục hồi nhẹ, lao động có việc làm tăng
Theo Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý III-2023, so với quý trước, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhẹ. Số lao động có việc làm quý III tăng 87.400 người, với 51,3 triệu người có việc làm (tính từ 15 tuổi trở lên). Khu vực thành thị tăng nhiều nhất, với 77.000 người (19,1 triệu người có việc làm); tăng 254.800 người so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 776.000 người so với 9 tháng năm 2022. Lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Tính theo 3 khu vực kinh tế, trong quý III, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhẹ và là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động; số lao động làm việc trong khu vực công nghiệp - xây dựng là 17,1 triệu người, tăng 10.000 lao động so với quý trước. Lao động trong khu vực dịch vụ 20,4 triệu người và có xu hướng tăng mạnh nhất trong 3 khu vực (tăng 95.800 người); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động là 13.800 người, giảm 18.400 người.
Theo Tổng cục thống kê, 9 tháng năm 2023, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, (chiếm 27% lực lượng lao động có việc làm), nhưng lại giảm 118.200 người (giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước) do sự dịch chuyển lao động của khu vực này sang 2 khu vực kinh tế còn lại có phần chậm hơn các năm trước. Còn khu vực công nghiệp - xây dựng thu hút 17,2 triệu người làm việc (chiếm 33,5%), tăng 318.500 người (tăng 1,9%) so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ với 20,2 triệu người, chiếm đến 39,5% tổng số lao động và đạt mức tăng cao nhất so với hai khu vực còn lại, tăng 575.700 nghìn người (tương ứng tăng 2,9%).

Cũng theo nhận định của Tổng cục thống kê, những khó khăn của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thời gian qua đã không tạo được động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động giữa 3 khu vực kinh tế. Ngoài ra, số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Cần lực đẩy từ thị trường
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, thị trường xuất khẩu sụt giảm, trong khi thị trường nội địa chưa phục hồi vững chắc, thậm chí có dấu hiệu suy giảm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng phản ánh tỷ lệ việc làm mới không tăng nhiều trong quý III, lao động khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn chịu tác động mạnh nhất. Tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập cho thấy doanh nghiệp vẫn loay hoay giải quyết bài toán đầu ra của thị trường tiêu thụ.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong quý III năm nay đến 940.900 người, tăng 69.200 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 39,6% (tương đương với 372.600 người thiếu việc làm); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 31,6% (khoảng 297.400 người); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,8% (khoảng 270.900 người).
Mặc dù các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng nội địa được triển khai có hiệu quả, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III và tính chung 9 tháng năm 2023 đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp cao, do nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn. Tính chung 9 tháng, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi khoảng 1,07 triệu người, giảm 13.700 người so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, lần lượt là 2,87% và 3,08% trong quý III năm nay.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động mất việc trong quý III năm nay chủ yếu ở ngành dệt dệt may và da giày, tập trung chủ yếu ở 2 địa phương (tỉnh Bình Dương khoảng 33.600 người, TP Hồ Chí Minh là 34.600 người). Vì vậy, rất cần sự chung sức của các cơ quan liên quan và cả doanh nghiệp trong ngành để gỡ khó thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm, tạo việc làm bền vững cho lao động.
So với cùng kỳ năm trước, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đều có số lao động thiếu việc làm tăng (tăng 109.200 người và tăng 14.200 người).
|
Mặc dù bức tranh thị trường lao động chưa mấy lạc quan, nhưng điểm sáng trong bức tranh thị trường lao động là so với cùng kỳ năm trước, quý III năm nay, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% (tương ứng tăng 451.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng). Trong đó, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương trong 9 tháng năm nay là 7,9 triệu đồng, tăng 409.000 đồng so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do lương cơ sở tăng).
Các dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu vẫn chưa lạc quan. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 vừa được các tổ chức quốc tế công bố đa số đều hạ dự báo tăng trưởng, do tổng cầu vẫn ảm đạm. Bên cạnh đó, theo Tổng cục thống kê, tăng trưởng kinh tế thấp cũng phản ánh tình trạng cung cầu thị trường lao động đang lệch pha, nguồn cung lao động đang dư thừa. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%, nhưng đến quý III năm nay, tỷ lệ này vọt lên mốc 4,2% (hơn 2,2 triệu người); đa số ở độ tuổi 15 đến 34 (tỷ lệ nhóm này trong lực lượng lao động chiếm 33,2%. Cho thấy, Việt Nam vẫn còn lực lượng lao động lớn chưa được khai thác hết tiềm năng, nhất là nhóm lao động trẻ.
Bài, ảnh: SONG NGUYÊN