21/02/2008 - 21:34

Thị trường chứng khoán bị thả nổi?

Đầu tư dài hạn được nhiều nhà đầu tư đánh giá là chiến lược phù hợp khi thị trường liên tiếp sụt giảm.

Đối mặt với nguy cơ lạm phát cao, rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán tỏ ra lo ngại về dòng vốn tiền đồng Việt Nam đổ vào thị trường này bị thu hẹp, tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu. Nhiều nhận định cho rằng, thời điểm này là thích hợp để mua vào. Giá bán của phần lớn các mã chứng khoán cũng đang sụt giảm mạnh so với giá trị thực. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lại cho rằng mua cổ phiếu rẻ lúc này cũng chưa thật rẻ và chưa hấp dẫn bởi lãi suất gửi bằng tiền đồng Việt Nam hiện đã tăng mạnh.

* RƠI TỰ DO

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã chịu sự điều chỉnh sụt giảm mạnh tại cả 2 sàn giao dịch Hà Nội và TPHCM. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21-2-2008, VN-Index giảm thêm 34,47 điểm xuống còn 710,45 điểm. Với mức giảm như hiện nay, nhiều nhà đầu tư dự đoán, có nhiều khả năng VN-Index sẽ còn giảm xuống dưới ngưỡng 700 điểm trong phiên giao dịch tới. Trong phiên giao dịch này, chỉ số HaSTC tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng tiếp tục giảm 19,28 điểm và đóng cửa chỉ còn 237,89 điểm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá cổ phiếu liên tục giảm trong nhiều tháng qua và sắp trở về mức cuối năm 2006 được nhiều chuyên gia đề cập tới là sự mất cân bằng cung-cầu cổ phiếu. Hiện nay, lượng cầu giảm do sự thắt chặt cho vay chứng khoán theo quyết định số 03 của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn được chuyển sang đầu tư vào thị trường bất động sản, vàng...

Từ trung tuần tháng 2-2008, lãi suất ngân hàng cũng được các ngân hàng ồ ạt điều chỉnh tăng mạnh đã tác động tỷ lệ nghịch với giá trị của cổ phiếu. Gần đây, các chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như nâng lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc... đã tác động hút thêm tiền Việt Nam đồng ra khỏi lưu thông, đồng thời siết chặt tăng trưởng tín dụng. Trong bối cảnh, thị trường tiền tệ nóng lên, vốn VND khan hiếm, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ còn rút bớt tiền ra khỏi lưu thông thông qua việc phát hành tín phiếu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.

Ông Ngô Tấn Quốc Cường, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông tại TP Cần Thơ, nhận định: “Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trong quý IV-2007 và 2 tháng đầu năm 2008, các quyết định do Ngân hàng Nhà nước ban hành vừa qua (tăng lãi suất, phát hành tín phiếu bắt buộc...) đã ảnh hưởng đến thói quen sử dụng tiền mặt trong cộng đồng dân cư nên sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Song song với các quyết định trên là các quyết định về điều chỉnh tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán, bổ sung thêm các kênh huy động vốn đầu tư chứng khoán, tăng mua ngoại tệ, giám sát tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản...”.

Phần lớn các nhà đầu tư cá nhân (hiện chiếm tỷ trọng khá cao về số lượng trên sàn giao dịch) có mục tiêu đầu tư ngắn hạn, nên tại một số thời điểm nhạy cảm của thị trường bị tác động mạnh về tâm lý. Vì vậy, giá cổ phiếu trên thị trường lại tiếp tục giảm và diễn biến khó lường theo tâm lý của nhà đầu tư. Một cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE trong phiên giao dịch hôm nay đã hợp lý để đầu tư thì ngày mai lại có thể bị coi là “lỗ” 5% nếu cổ phiếu đó giảm sàn. Do đặc thù của thị trường cổ phiếu khác với thị trường bất động sản ở tính thanh khoản (dễ mua, dễ bán) nên không thể khẳng định đầu tư vào lĩnh vực nào hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, một nhà đầu tư ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, phân tích: “Giả sử, một cổ phiếu niêm yết tại HOSE có 5 phiên liên tục tăng trần thì lợi nhuận thu được sau một tuần đầu tư vào chứng khoán đã là 25% và chắc chắn sẽ vượt xa đầu tư vào bất động sản. (Vừa qua trường hợp mã cổ phiếu SFI của Công ty cổ phần đại lý vận tải Safi tăng trần liên tục từ ngày 29-1-2008 đến ngày 12-2-2008, thời điểm mà thị trường được cho là đang khó khăn). Điều quan trọng ở đây là các nhà đầu tư cần xây dựng cho mình một chiến lược rõ ràng khi tham gia vào TTCK, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào”.

* ĐI VỀ ĐÂU?

Trong nhiều ngày qua, nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu lãi suất cho vay tăng mạnh như vậy và có thể sẽ còn kéo dài do “khát” tiền đồng Việt Nam không? Và điều đó có đi ngược với chủ trương của Chính phủ là “kéo” thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam?

Chỉ số chứng khoán tiếp tục sụt giảm mạnh

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21-2-2008, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 34,47 điểm tương đương 4,63% so với phiên giao dịch trước, xuống còn 710,45 điểm. Thống kê trên sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, tỷ lệ chứng khoán giảm giá chiếm khoảng 97,35%, tương đương 147 mã giảm giá, còn lại 2 mã tăng giá và 2 mã giảm giá. Trong đó, các mã có giá bán giảm mạnh nhất thuộc về DHG, IMP, FPT với mức giảm từ 8.000-9.000 đồng/cổ phiếu… So với phiên giao dịch ngày 20-2-2008, tổng khối lượng giao dịch đạt khoảng 20.132.450 cổ phiếu (tăng khoảng 7.324.450 cổ phiếu) tương đương tổng giá trị 1.734,672 tỉ đồng (tăng 720,333 tỉ đồng). Thống kê trên bảng giao dịch chứng khoán trực tuyến, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, có 124 mã giảm giá và 6 mã đứng giá. Nhiều mã cổ phiếu lớn nhỏ cùng đua nhau giảm giá kéo HaSTC-Index giảm liền lúc 19,28 điểm so với phiên giao dịch trước và đóng cửa chỉ còn 237,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt khoảng 4.557.300 cổ phiếu tương đương tổng giá trị trên 268,812 tỉ đồng. Trong đó, các mã KLS, ACB, PVS, TRC, NTP được các nhà đầu tư tập trung giao dịch nhiều nhất với khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng thành công đạt từ 210.900-526.800 cổ phiếu.

Tr. D

Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm rất nhiều, sắp trở về mức cuối năm 2006 trong khi hầu hết các doanh nghiệp trên sàn có lợi nhuận năm 2007 tăng mạnh từ vài chục tới vài trăm phần trăm, nhưng trên thực tế khá nhiều người vẫn cho rằng đây chưa phải là thời điểm mua vào. Không ít nhà đầu tư cho rằng, nếu mua vào thời điểm này khả năng thắng lớn như đầu năm 2007 hầu như không có trong khi có thể bị thua lỗ hoặc bị giam vốn. Ngoài ra, giá chứng khoán vẫn đang giảm và có những dấu hiệu khiến thị trường có thể tiếp tục giảm như: cung hàng hóa cho thị trường đang rất lớn và còn tiếp tục tăng trong khi lượng cầu sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu blue-chip đã giảm mạnh nên trong 5 phiên giao dịch gần đây khá nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ thời điểm giá chứng khoán giảm mạnh để mua vào.

Hiện nay, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự suy giảm này là do nhà đầu tư lo ngại nguồn vốn đổ vào TTCK sẽ giảm mạnh do Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những biện pháp để rút bớt tiền đồng, hạn chế nguồn vốn lưu thông trên thị trường để kềm chế lạm phát. Việc “kéo” TTCK phát triển không có nghĩa là phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng bất chấp rủi ro. Nếu tốc độ phát triển của một TTCK quá cao so với sự tăng trưởng nội tại của nền kinh tế một quốc gia thì cực kỳ nguy hiểm, nền kinh tế sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ và rơi vào khủng hoảng. Với việc tăng lãi suất ngân hàng, Chính phủ cũng đã có các chính sách điều tiết nhằm tạo sự phát triển ổn định và bền vững cho TTCK Việt Nam. Nhiều người tỏ ra sốt ruột và quan ngại khi nhìn lại và so sánh chỉ số VN-Index hiện nay với cách đây một năm, lúc đó nhiều người cũng tỏ ra lo ngại cho rằng thị trường bong bóng sắp đổ vỡ, vậy tình hình thị trường như hiện nay là hợp lý chưa? Câu trả lời thực sự vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Các chính sách tiền tệ được sử dụng như biện pháp nhằm giải quyết bài toán lạm phát và thường chỉ áp dụng trong một hạn định ngắn. Trong khi đó, Chính phủ đã và đang đồng thời sử dụng các công cụ đòn bẩy khác có tính chiến lược lâu dài hơn để thúc đẩy sự phát triển của TTCK.

•Bài, ảnh: Triều Dâng

Chia sẻ bài viết