24/04/2008 - 10:36

Người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Thị trường bất động sản sẽ minh bạch, đúng giá trị hơn...

Để bất động sản trở thành một loại hàng hóa thực sự, tuân thủ theo đúng luật chơi quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập vào WTO, hiện Chính phủ đang hoàn thiện Nghị quyết về việc người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Dự kiến Nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5-2008. Việc cho phép người nước ngoài được phép mua nhà có thời hạn ở Việt Nam hy vọng sẽ tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, minh bạch hơn trên thị trường bất động sản.

THIỆN CHÍ, BÌNH ĐẲNG

Tính từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực đến tháng 3 -2008, Việt Nam đã có 80 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư với hơn 9.570 dự án được cấp phép và tổng vốn đăng ký khoảng 100 tỉ USD. Cùng với số vốn này, ước tính có khoảng 25.000 người nước ngoài vào làm việc tại các dự án đầu tư, trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Ngoài ra, theo Bộ Ngoại giao tính đến hết năm 2007 cả nước có khoảng 55.000 người nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ tại Việt Nam. Như vậy, tính chung, từ năm 2004 đến nay có hơn 80.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống và học tập.

Người nước ngoài đến Việt Nam đa số là doanh nhân, chuyên viên của các tổ chức quốc tế, nhà khoa học... Họ đều có tâm huyết và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử nên hiện nay việc quy định về nhà ở đối với những người nước ngoài, thậm chí là Việt kiều, chưa thông thoáng... Đây là điều không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, việc cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, xét về mặt ngoại giao, là một thiện chí; xét về mặt pháp luật, là nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; còn xét dưới góc độ hội nhập là nhằm tạo ra sự bình đẳng, thể hiện mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế. Công dân Việt Nam có tiền có thể mua nhà tại Singapore thì công dân Singapore có tiền cũng có thể mua nhà tại Việt Nam...

Cạnh đó, việc cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản của Việt Nam phát triển. Chính sách này sẽ kích thích thị trường nhà ở phát triển, bổ sung nguồn vốn cho thị trường, hạn chế việc mua bán ngầm, trao tay hoặc nhờ người mua trong nước đứng tên hộ... Từ đó, giúp nhà nước có một nguồn thu lâu dài, ổn định là các khoản thuế liên quan đến việc quản lý sử dụng nhà.

GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN SẼ CHUẨN HƠN

Khi biết tin tới đây người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, một số ý kiến tỏ ra lo ngại sẽ dẫn đến nạn đầu cơ và do đó làm cho thị trường bất động sản có thể hỗn loạn hơn. Nhưng có rất nhiều ý kiến không tán thành với cách suy nghĩ này. Bởi lẽ, xét cho cùng, thị trường bất động sản hỗn loạn hay không hỗn loạn thường phát sinh từ cơ chế quản lý tốt hay không tốt. Nếu cơ chế quản lý yếu kém, lạc hậu thì chẳng cần có yếu tố nước ngoài, thị trường bất động sản cũng đã gia tăng vượt quá giá trị thực của nó, khiến cho đại bộ phận người thu nhập thấp không thể tiếp cận. Và do đó, khi cho người nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở thì yêu cầu quan trọng đầu tiên là phải minh bạch hóa thị trường này.

Tới đây, những khu chung cư mới, hiện đại như thế này sẽ là nơi an cư của nhiều người nước ngoài. Trong ảnh: Chung cư Hưng Phú 5 tầng, thuộc khu dân cư Hưng Phú 1, do Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà Cần Thơ đầu tư xây dựng sắp hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: THIỆN KHIÊM 

Đừng nên duy trì quan điểm ấu trĩ và lỗi thời: người nước ngoài rất nhiều tiền, họ muốn mua gì thì mua. Đối với người nước ngoài, cơ sở nhìn nhận vấn đề của họ rất thực tế, cái gì đúng giá trị thì mới bỏ đồng tiền ra để mua. Nếu quan niệm như thế, thì hầu hết những người nước ngoài có tiền đã sử dụng hết những chiếc xe tân thời trị giá mỗi chiếc cả triệu USD được nhập về Việt Nam thời gian qua. Vì thế, lý do vung tiền để đầu cơ có thể loại bỏ. Việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ giúp thị trường bất động sản nước ta minh bạch hơn, chuẩn hơn về mặt giá cả mà thôi. Cạnh đó, việc người nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở chứng tỏ bất động sản Việt Nam đã trở thành một giá trị mang tầm quốc tế. Điều đó càng giúp chúng ta tiếp cận với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ thị trường bất động sản một cách dễ dàng hơn.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà- Bộ Xây dựng, nhận định: Việc cho phép người nước ngoài mua nhà không ảnh hưởng lớn đến thị trường nhà đất. Theo ông Hà, nếu chính sách mới được thông qua, trong thời gian đầu, vì lượng cung về nhà chưa đủ (đặc biệt là chung cư cao cấp) nên có thể sẽ ít nhiều tác động tới giá nhà đất ở Việt Nam. Tuy nhiên, do số lượng người nước ngoài có nhu cầu và đủ điều kiện để mua nhà không lớn (dự báo có khoảng 10.000 người) nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Giả sử mỗi người được mua một căn hộ với diện tích từ 100 tới 150m2 thì cũng chỉ cần khoảng 10.000 căn hộ với diện tích 1,5 triệu m2. Ngoài ra, việc mua nhà cũng phải diễn ra trong nhiều năm. Do đó, tác động tiêu cực về giá cả chủ yếu chỉ xảy ra đối với các loại nhà chung cư cao cấp; còn nhà chất lượng khá và trung bình sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Mặt khác, theo đề xuất mới nhất của Chính phủ, sẽ có 7 loại đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức liên Chính phủ đang thường trú tại Việt Nam; người vào Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư; người có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng Huân chương, Huy chương; nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam được phong học hàm, học vị về các lĩnh vực này của nước ngoài hoặc Việt Nam, các chuyên gia kinh tế phải có bằng đại học trở lên; người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam; người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, họ chỉ được mua và sở hữu 1 căn hộ chung cư tại các dự án nhà ở thương mại trong thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam, mà không được mua biệt thự riêng hay nhà, đất liền kề. Thế nên, việc lợi dụng chính sách này để đầu cơ là yếu tố không dễ dàng.

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết