Dưới sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, vừa qua, BV Tim mạch TP Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch thành công cho 8 bệnh nhân. Như vậy, bệnh nhân có chỉ định can thiệp tim mạch đã có thêm một địa chỉ mới để điều trị.
Hiệu quả ngay với bệnh nhân
Các bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân.
Cô Nguyễn Thị Tư, 73 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long vừa được can thiệp tim mạch tại BV Tim mạch TP Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi rất mừng, bởi hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, không nghĩ mình được đặt stent”. Cô Tư không lập gia đình, sống cùng người em trai. Cách đây 4 năm, thấy trong người mệt, đau ngực nên đến BV Tim mạch TP Cần Thơ khám. Bác sĩ chẩn đoán cô bị tăng huyết áp, tiểu đường, thiếu máu cục bộ cơ tim nghi do hẹp mạch vành. Hơn 1 năm nay, điều trị thuốc không còn hiệu quả với bệnh, bác sĩ tư vấn đến BV tuyến trên để chụp DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền) để xem mức độ hẹp và hướng can thiệp. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ chi phí nên cô đành ra về và quay lại BV Tim mạch TP Cần Thơ tiếp tục điều trị bằng thuốc. Nhưng hầu như tháng nào cũng nằm viện vì đau ngực, khó thở.
Cô Nguyễn Thị Tư kể: “Có lúc mệt như mất thở, cảm giác như có vòng siết ngang ngực, không ăn, ngủ được. Đợt này, BV Tim mạch TP Cần Thơ triển khai đặt stent, bác sĩ động viên điều trị, có gì BV xem xét hỗ trợ. Khi bác sĩ làm, tôi biết hết, không đau đớn gì. Sau khi đặt xong, chưa ra khỏi phòng là đã khỏe, do đường máu đã thông”.
Còn chú Đỗ Hoàng Tuân, 61 tuổi, ở TP Cần Thơ, bị đái tháo đường hơn 10 năm nay. Từ đầu năm đến giờ, chú mệt nhiều, đau ngực, khó thở, nhập viện điều trị liên tục, đợt này chú được bác sĩ cho biết có khả năng mình bị hẹp mạch máu nuôi tim nặng. Việc điều trị có 2 phương pháp: mổ hoặc can thiệp mạch vành qua da, chú và gia đình chọn đặt stent vì lớn tuổi không dám phẫu thuật. Do có bảo hiểm y tế, nên chú yên tâm điều trị vì chi phí điều trị cũng được bảo hiểm chi trả rất nhiều.
Bác sĩ Trang Văn Thành, Trưởng ê kíp can thiệp tim mạch, BV Tim mạch TP Cần Thơ, cho biết: cô Nguyễn Thị Tư và chú Đỗ Hoàng Tuân đều bị hẹp nặng mạch vành. Can thiệp mạch vành qua da là dùng bóng hoặc stent nong vị trí hẹp, tái tưới máu cho cơ tim. Thủ thuật can thiệp tim mạch tương đối nhẹ nhàng là tiêm một chút thuốc tê vùng cổ tay, sau đó đặt 1 kim vào mạch máu, theo đó bác sĩ đưa các ống thông đến tim, chụp xem vị trí nào trên mạch vành hẹp nặng gây thiếu máu, tiếp theo đưa dụng cụ như bóng và stent vào nong vị trí bị hẹp ra. Can thiệp tim mạch nôm na như thông ống nước bị tắc. Thủ thuật này không gây đau, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và nói chuyện bình thường với bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Quá trình thực hiện thủ thuật thường được tiến hành trong vòng 1-3 giờ, tùy mức độ khó thủ thuật và phần lớn bệnh nhân có thể về nhà sau 1-2 ngày tính từ khi kết thúc thủ thuật.
Để triển khai can thiệp tim mạch, trước đó, BV Tim mạch đã cử 2 ê kíp đi học trong 2 năm tại BV Chợ Rẫy. Đồng thời tiến hành xây dựng Khu can thiệp tim mạch rất khang trang. Thành phố cũng trích ngân sách trang bị hệ thống DSA. Đây là hệ thống hai bình diện hiện đại nhất ĐBSCL. Hệ thống DSA giúp chẩn đoán, điều trị tất cả các bệnh lý liên quan đến mạch máu như: mạch máu não, tim, thận, gan… bằng kỹ thuật điều trị ít xâm lấn. Ưu điểm của DSA hai bình diện là chụp được nhiều vị trí khác nhau cho 1 lần chụp, giảm sử dụng thuốc cản quang.
Theo bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Tim mạch TP Cần Thơ, đây là hoạt động nằm trong đề án BV vệ tinh với BV Chợ Rẫy. Sắp tới, với hệ thống DSA, BV triển khai nhiều kỹ thuật mới về mạch máu. Đa số bệnh nhân điều trị tại BV đều có thẻ bảo hiểm y tế. Nếu không có bảo hiểm y tế, khi bệnh nhân can thiệp tim mạch, BV sẽ thu viện phí bằng với giá của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, không tính dịch vụ.
Ngày nay, bệnh lý xơ vữa mạch vành được xem như một bệnh của thời đại, độ tuổi của bệnh ngày càng trẻ hóa.
Các thầy thuốc khuyến cáo: Người trên 45 tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì... có khả năng bị bệnh lý mạch vành cao hơn người bình thường nên cần tầm soát. Tầm soát ban đầu dựa vào triệu chứng đau ngực, đo điện tim, siêu âm tim, test gắng sức... Nếu nghi ngờ bệnh lý mạch vành thì chỉ định chụp CT Scan hoặc DSA. Để phòng bệnh lý mạch vành, người bệnh cần kiểm soát huyết áp, đường trong giới hạn cho phép, giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
Bài, ảnh: H.Hoa