Kỳ 1: Kết thúc thời kỳ lương thực giá rẻ
Thế giới bước vào năm 2008 với lượng lương thực dự trữ ở mức thấp nhất và giá lương thực ở mức cao nhất trong hơn 2 thập niên qua. Theo Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nếu xảy ra thảm họa thiên tai, một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là điều khó tránh khỏi.
Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), mặc dù tổng sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2007 đạt 1,66 tỉ tấn, tăng 89 triệu tấn so với năm 2006, nhưng dự trữ lương thực toàn cầu giảm khoảng 53 triệu tấn xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Sự mất cân đối cung cầu khiến giá các loại lương thực thiết yếu tăng cao ngất ngưỡng. Năm ngoái, giá bắp có thời điểm vượt 175 USD/tấn và hiện vào khoảng 150 USD/tấn, tăng 50% so với năm 2006. Giá lúa mì năm ngoái tăng tới 65% lên mức bình quân 375 USD/tấn. Giá gạo Thái Lan theo hợp đồng giao cuối tháng 1-2008 tăng 64-73 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2007, dao động từ 380 - 392 USD/tấn tùy loại. Gạo Việt Nam thời điểm này cũng tăng 85 - 95 USD/tấn so với cùng kỳ, lên 340 - 380 USD/tấn. FAO dự báo lượng gạo giao dịch năm 2008 sẽ tăng 600.000 tấn so với năm trước và giá sẽ đứng ở mức cao về dài hạn. Các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, sữa, bơ... giá cũng leo thang do chi phí chăn nuôi, vận chuyển... không ngừng tăng. Chỉ số giá lương thực, do FAO tính toán dựa trên 60 loại thực phẩm buôn bán quốc tế, tăng 37% trong năm 2007, so với 14% năm 2006.
|
Giá lúa mì đang tăng mạnh. Ảnh: ENS |
Giá lương thực leo thang trong bối cảnh giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng hồi năm ngoái gây ra căng thẳng xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Chính phủ Nga vừa gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận ký với các nhà sản xuất và bán lẻ hồi mùa thu năm ngoái về việc không tăng giá các mặt hàng nông sản tới ngày 1-5 tới. Tại Indonesia và Pakistan, người dân mới đây biểu tình rầm rộ để phản đối việc tăng giá đậu nành và tình trạng thiếu lúa mì. Cuối năm ngoái, một cuộc chen lấn làm 3 người chết và 31 người bị thương khi mua dầu ăn giảm giá ở siêu thị tại Trùng Khánh, miền Tây Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó áp đặt biện pháp kiểm soát giá các sản phẩm như dầu ăn, ngũ cốc, thịt, sữa và trứng. Nhiều cuộc bạo động vì lương thực cũng xảy ra ở Mexico, Guinea, Mauritanie, Maroc, Senegal, Uzbekistan và Yemen trong vài tháng gần đây.
Hiện khoảng 3 tỉ người trên thế giới có nguy cơ thiếu đói do giá ngũ cốc tăng cao. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, một số nước xuất khẩu lương thực lớn đang hạn chế nguồn cung. Nga vừa nâng thuế xuất khẩu lúa mì từ 10% lên 40%. Argentina, một trong những nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, cũng “khóa sổ” đăng ký xuất khẩu hồi đầu tháng 12-2007 cho đến khi thu hoạch mùa vụ mới. Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo có giá dưới 500 USD/tấn. Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng đang xem lại chính sách xuất khẩu gạo của mình.
N.MINH (Theo AFP, AP, THX, Reuters)