06/05/2020 - 10:14

Thế giới rón rén tái khởi động 

Đầu tuần này, thế giới thận trọng vận hành trở lại khi nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng cách ly xã hội nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng do COVID-19.

Người dân tưởng niệm các nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19 khi Ý bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters

Là một trong số các nước bị thiệt hại nặng nề nhất, Ý hôm 4-5 đã cho phép khoảng 4,5 triệu người trở lại làm việc sau gần hai tháng. Một số ngành như xây dựng, sản xuất có thể nối lại hoạt động; người dân được phép gặp gỡ hoặc đến thăm họ hàng trong cùng khu vực. Nhà hàng cũng bắt đầu kinh doanh nhưng dưới hình thức mua mang về, các cuộc tụ họp vui chơi giữa bạn bè vẫn bị cấm. Theo chỉ thị của Thủ tướng Giuseppe Conte, hầu hết các dịch vụ như quán bar, tiệm cà phê, thẩm mỹ viện phải đóng cửa đến 1-6; trường học cùng nhiều loại hình giải trí như rạp chiếu phim, nhà hát, câu lạc bộ thể thao tiếp tục tạm ngưng đến tháng 9.

Cùng với Ý, nhiều quốc gia từ Âu sang Á đến châu Phi như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Phần Lan, Ấn Độ, Israel, Malaysia, Thái Lan Lebanon, Nigeria…cũng bắt đầu mở cửa theo từng giai đoạn với việc nối lại hoạt động của nhà máy, công trường xây dựng, công viên, tiệm làm tóc và thư viện. Hôm 4-5, quốc gia nằm trong tốp 10 bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là Iran đã cho mở lại nhiều thánh đường Hồi giáo ở 132 thành phố.

Riêng Pháp dự kiến nới lỏng phong tỏa vào ngày 11-5 nhưng tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp ít nhất đến 24-7. Tương tự, Nhật Bản cũng mở rộng tình trạng khẩn cấp đến 31-5. Trong khi đó, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU) xác nhận Anh có thể phải duy trì giãn cách xã hội khi là một trong 5 quốc gia cựu lục địa chưa qua đỉnh dịch COVID-19.

Còn ở Mỹ, quốc gia có số ca dương tính và tử vong do SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, chính quyền các tiểu bang đang phác thảo kế hoạch tạm thời nới lỏng kiểm soát doanh nghiệp. Là khu vực bị thiệt hại nặng nhất trong dịch bệnh, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết địa phương này sẽ thận trọng mở cửa theo từng giai đoạn, bắt đầu với các ngành công nghiệp như xây dựng, chuỗi sản xuất và cung ứng cùng những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất. Giai đoạn 2 cho phép tái khởi động các doanh nghiệp bảo hiểm, bán lẻ, hỗ trợ hành chính và kinh doanh bất động sản; tiếp theo là nhà hàng, dịch vụ thực phẩm, khách sạn và kinh doanh lưu trú trong giai đoạn 3. Các cơ sở nghệ thuật, giải trí và giáo dục sẽ được cân nhắc cuối cùng.

►Lạc quan thận trọng

Thế giới bắt đầu tái vận hành trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị chững lại khi hoạt động sản xuất bị đóng băng và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do ảnh hưởng của COVID-19. Tháng rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Trong đó, các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch có thể châm ngòi thương chiến mới giữa hai cường quốc.

Theo ước tính, tổng số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu tăng với tốc độ 2-3% trong tuần qua, so với mức cao nhất khoảng 13% vào giữa tháng 3. Tuy có dấu hiệu tích cực, giới khoa học và chuyên gia y tế kêu gọi các nước không nên chủ quan, lơ là biện pháp phòng dịch khi nối lại hoạt động xã hội. Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 250 ngàn trong tổng số hơn 3,6 triệu ca nhiễm. Trong báo cáo mới, Đại học Washington cảnh báo số người chết vì dịch bệnh ở Mỹ đến đầu tháng 8 có thể lên đến 135.000 trường hợp, tăng gấp đôi so với dự báo trước đó nếu chính quyền lơi lỏng công tác kiểm soát.

Các số liệu của Chính phủ Úc công bố ngày 5-5 cho thấy nền kinh tế nước này sẽ chịu thiệt hại 4 tỉ AUD (2,5 tỉ USD) mỗi tuần nếu các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 tiếp tục được áp dụng, trong khi gần một triệu người đã mất việc làm.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết