|
Lãnh đạo nhóm BRIC trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G8 tại Nhật tháng 7-2008. |
Nguyên thủ các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO - gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan) hôm nay sẽ nhóm họp tại Mát-xcơ-va nhằm thảo luận các vấn đề an ninh cấp thiết chung của khu vực. Cuộc họp cũng sẽ thông qua quyết định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh tập thể (CRRF) của CSTO. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố nhiệm vụ quan trọng của CRRF là giúp các nước CSTO chống buôn lậu ma túy xuyên biên giới và các mối đe dọa khác trong khu vực. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh CRRF có thể so sánh với lực lượng phản ứng nhanh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đến ngày 15-6, các nhà lãnh đạo Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan và Mông Cổ sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh 2 ngày của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Yekaterinburg, cực Tây của Nga. Tổng Thư ký SCO, ông Bolat Nurgaliev, cho biết hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo các vấn đề nóng như biện pháp vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, duy trì ổn định kinh tế và tài chính của các nước thành viên SCO, kiến nghị thành lập hệ thống tài chính quốc tế mới công bằng hơn. Dĩ nhiên, SCO đặt trọng tâm vào các chủ đề hợp tác an ninh quốc gia như chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới trong khu vực.
Ngoài ra, SCO sẽ bàn khả năng kết nạp các nước quan sát viên: Ấn Độ, Iran, Pakistan và Mông Cổ, đồng thời dự tính thành lập lực lượng quân sự để tham gia bình ổn và tái thiết Afghanistan bên cạnh Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của NATO. Trong cuộc gặp đặc biệt tại Mát-xcơ-va mới đây, các quan chức SCO bày tỏ quan ngại tình hình an ninh bất ổn tại Afghanistan vì điều này đang đe dọa toàn khu vực Trung Á. Theo các nhà phân tích, việc can dự vào vấn đề Afghanistan sẽ là bước đi thể nghiệm để SCO mở rộng vai trò và ảnh hưởng trên lĩnh vực hợp tác an ninh quốc tế toàn cầu.
Ngay sau hội nghị SCO kết thúc, Tổng thống Nga Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ ở lại tham dự cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên cùng Tổng thống Brazil Lula da Silva. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên của nhóm 4 quốc gia có nền kinh tế đang nổi lên lớn nhất thế giới (BRIC, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) nhằm thảo luận cách thức đối phó khủng hoảng tài chính toàn cầu, đa dạng hóa dự trữ tiền tệ và thanh toán quốc tế, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, an ninh lương thực và năng lượng. BRIC hiện chiếm khoảng 15% tổng GDP trị giá 60.700 tỉ USD của nền kinh tế thế giới và dự báo nhiều khả năng sẽ vượt qua Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong vòng 20 năm tới. Nhằm thể hiện vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Trung Quốc vừa thông báo sẽ góp 40 tỉ USD, Nga 10 tỉ USD, Brazil 10 tỉ USD và Ấn Độ dự kiến cũng 10 tỉ USD vào quỹ hỗ trợ chống khủng hoảng tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Với một loạt sự kiện quan trọng kể trên, dư luận thế giới đang hướng mắt về xứ sở bạch dương theo dõi bước đi của các tổ chức đối trọng với NATO và phương Tây do Nga và Trung Quốc cầm trịch.
PHÚC NGUYÊN
(Theo RIA Novosti, Xinhua, Reuters, Turkeyweekly)