26/03/2023 - 07:28

Thay đổi lối sống, phòng nhiều bệnh 

Bài, ảnh: H.HOA

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay. Trên 80% ca tử vong do BKLN. Hiện có khoảng 23 triệu người Việt Nam mắc BKLN và bệnh này đang không ngừng gia tăng. Các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi lối sống để phòng bệnh.

Thử đường huyết cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.

Thử đường huyết cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.

Trong 23 triệu người Việt Nam mắc BKLN thì tăng huyết áp chiếm 26,2% (17 triệu người); đái tháo đường chiếm tỷ lệ 7,06% tương ứng với 4,6 triệu người mắc; khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và khoảng 354.000 người mắc bệnh ung thư.

BKLN thường diễn tiến âm thầm, không để lại dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện. Tuy nhiên, có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát sớm, giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra.

Theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Nội tiết & Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong số tử vong do BKLN thì 80% là ở các nước đang phát triển. Các nguy cơ chính của BKLN là do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm không khí, hoặc lạm dụng rượu bia, thiếu hoạt động thể lực.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 10 nước có tuổi thọ cao nhất trên thế giới. Trong 10 năm cuối đời, đa phần người dân mắc BKLN. Ở tuổi cao, nguy cơ mắc các bệnh này tăng lên gấp 10 lần so với người trẻ tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng kết 6 yếu tố chính ảnh hưởng sức khỏe con người, gồm: di truyền, công việc, môi trường sống, dinh dưỡng, vận động và thói quen, tính cách. Trong đó, 3 yếu tố được quan tâm nhất là dinh dưỡng, vận động và thay đổi thói quen, tính cách. Còn gọi là lối sống tích cực (healthy lifestyle), WHO nhấn mạnh 3 thành tố chính: hoạt động thể lực, ăn uống khoa học và giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) chuẩn.

WHO khuyến nghị về ăn uống hợp lý là: chế độ đa dạng thực phẩm, nguồn từ thực vật nhiều hơn nguồn từ động vật; ăn ngũ cốc (mì, gạo, khoai) vài lần 1 ngày; ăn nhiều rau quả tươi. Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) trong giới hạn bình thường kết hợp vận động thể lực ở mức trung bình (tăng nhẹ nhịp thở, nhịp tim, không hát được nhưng nói chuyện được) và mức nặng (tăng rõ nhịp thở, nhịp tim, không nói chuyện được) đều đặn hàng ngày. Kiểm soát lượng chất béo ăn vào, thay thế chất béo bão hòa bằng không bão hòa; thay thế đạm động vật và thịt đỏ bằng các loại đậu, đỗ, cá, gia cầm hoặc thịt nạc; sử dụng sữa và chế phẩm của sữa; chọn lựa các thực phẩm ít đường, đồ uống ít đường/không đường; chế độ ăn hạn chế muối (dưới 5 gram/ngày) bao gồm cả muối lẫn trong thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế đồ uống có cồn; chế biến thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh; tăng món hấp, luộc... để giảm lượng mỡ; khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong tháng đầu và kéo dài 24 tháng, ăn dặm đúng lượng, đúng chất.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo cần chăm sóc sức khỏe chủ động càng sớm càng tốt cho mọi giai đoạn của cuộc đời từ trong bào thai cho đến hết đời. Khám sức khỏe định kỳ, nắm bắt được tình trạng sức khỏe, những thay đổi bất thường của bản thân. Nắm những kiến thức cơ bản về ăn uống, sức khỏe, tự chăm sóc cho mình và người xung quanh. Đặc biệt duy trì lối sống tích cực, vui vẻ, loại bỏ các sang chấn tinh thần.

Chia sẻ bài viết