28/02/2008 - 10:14

“Ninh Thạnh Lợi - Đất và lửa”

Thất vọng vì qua loa đại khái

Cảnh nông dân nổi dậy trong phim “Ninh Thạnh Lợi – Đất và lửa”. Ảnh: VTV.VN

Phát sóng vào giờ vàng dành cho phim Việt trên kênh VTV1, lúc 21 giờ hằng ngày, “Ninh Thạnh Lợi – Đất và lửa” được khán giả chờ đợi bởi đây là phim có đề tài lịch sử hiếm hoi – lại là phim về cuộc đấu tranh của nhân dân vùng đất phương Nam gần trăm năm trước. Nhưng xem phim, khán giả vô cùng thất vọng…

“Ninh Thạnh Lợi – Đất và lửa” do nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản có cốt truyện khá chặt chẽ và hấp dẫn. Bối cảnh chuyện phim là vùng đất Ninh Thạnh Lợi (Bạc Liêu) những năm 1920, nơi diễn ra cuộc đấu tranh của những người nông dân với thực dân Pháp nhằm mục đích đòi quyền làm chủ ruộng đất. Dưới sự lãnh đạo của hương chủ Trần Kim Túc - một người có học thức và yêu nước - Ninh Thạnh Lợi được xây dựng theo mô hình “Dân trí - dân sinh - dân quyền” bằng cách mở trường lớp, chia sẻ thóc lúa và quyền lợi giữa những người nông dân... Tuy bị người Pháp và bọn tay sai áp bức, nhưng hương chủ Trần Kim Túc không tán thành bạo động, mà khởi kiện lên tòa án theo đường lối đấu tranh ôn hòa. Cũng có cùng ý hướng với ông Trần Kim Túc, nhưng thầy thuốc Xây – được người dân trong vùng kính trọng vì tài chữa bệnh và nhiều huyền thoại quanh cuộc đời ông – lại cho rằng chỉ có bạo lực mới giúp dân nghèo thoát khỏi áp bức. Mâu thuẫn này khiến chuyện tình duyên giữa cô Nhậm, con gái của thầy thuốc Xây, và em trai của hương chủ Trần Kim Túc gặp trắc trở. Albert Tú, con trai của một điền chủ người Pháp âm mưu chia rẽ hai lực lượng yêu nước và chiếm đoạt Nhậm. Lúc này, hương chủ Trần Kim Túc và thầy thuốc Xây mới đoàn kết xây dựng Ninh Thạnh Lợi thành căn cứ chống Pháp, kiên cường đấu tranh cho đến ngày Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng.

Cốt truyện mang đậm phong vị đất phương Nam, hội đủ các yếu tố để làm nên một bộ phim hay, nhưng khi lên phim đã không hấp dẫn như mong đợi. Diễn biến phim không có cao trào, kịch tính, nút thắt - mở và những trường đoạn hào hùng, xúc động, thể hiện được cái thần, cái chất bi tráng của thời đó trên vùng đất phương Nam. Người xem có cảm giác từng khung hình, tình huống và lời thoại trong phim chỉ minh họa cho câu chuyện. Ví dụ như những tình tiết dễ đi vào lòng người xem nhất như trường đoạn bọn tay sai của thực dân đi gom lúa của người dân, đoạn Albert Tú trắng trợn phao tin Nhậm đã thất tiết với y để hạ nhục cô, hoặc khi cha con Albert Tú dùng “luật rừng” để xử hương chủ Trần Kim Túc... đều được thể hiện khá hời hợt, bằng những chi tiết - lời thoại sáo mòn khá quen thuộc với khán giả qua rất nhiều bộ phim có cùng đề tài trước đây. Người xem phim không cảm nhận hết sự áp bức bất công đè nặng lên cuộc sống của nhân dân Ninh Thạnh Lợi để dẫn đến cuộc đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh. Một hạn chế khác là bối cảnh phim thiếu chân thực, không thể hiện được khung cảnh hoang sơ đặc trưng của vùng quê nghèo Bạc Liêu những năm 1920. Đạo cụ, phục trang, bối cảnh được bộc lộ rõ sự giả tạo khiến người xem khó chịu. Từ những ngôi nhà của dân nghèo nhưng mái lá, cột còn mới tinh tươm; trang phục của những nhân vật đóng vai dân nghèo mang hơi hướng “đồng phục” vì có cùng một chất liệu, cùng màu, cùng kiểu dáng; còn các nhân vật địa chủ, hương cả trong phim lúc nào cũng vận áo dài khăn đóng chỉnh tề như trong các bộ phim về làng quê Bắc bộ, trong khi giai cấp này ở Nam bộ thường ngày ưa thích vận áo túi, áo bà ba, chỉ đóng bộ khăn đóng áo dài khi lễ Tết hoặc dịp quan trọng; ngay cả những bó đuốc, ngọn cờ, gậy gộc, tầm vông trên tay của nghĩa quan cũng đều tăm tắp về kích cỡ, hình thức và màu sắc...

Phải khẳng định, “Ninh Thạnh Lợi – Đất và lửa” là bộ phim được đông đảo khán giả quan tâm bởi câu chuyện tái hiện một thời không thể nào quên của dân tộc. Thế nhưng, xem phim khán giả như đang chứng kiến một vở kịch nói mà trong đó các chi tiết đều xa lạ.

• Xuân Viên

Chia sẻ bài viết