Ngày 29-11, tại TP Cần Thơ, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL tổ chức hội nghị sơ kết “Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ÐBSCL giai đoạn 2023-2024 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024-2025”. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được sau hơn một năm triển khai thỏa thuận hợp tác và đề xuất những định hướng mới trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của các địa phương. Qua đó đưa hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để tạo đột phá chung cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ÐBSCL.
Các địa phương chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để đánh dấu bước ngoặt hợp tác trong giai đoạn 2024-2025.
TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ tháng 7-2023 trên 6 lĩnh vực trọng tâm, gồm: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.
Trong giai đoạn 2023-2024, TP Hồ Chí Minh và 13 địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng như kết nối doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực y tế với quy mô vùng đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế thành phố và chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL ngày một tốt hơn…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Những định hướng, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương; sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong quản lý, điều hành của TP Hồ Chí Minh, sự đồng hành của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tạo điều kiện và động lực mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển TP Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. TP Cần Thơ luôn xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế của thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vùng, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Các điểm nhấn trong chính sách thu hút đầu tư, liên kết vùng, hợp tác với các địa phương trong cả nước và quốc tế sẽ là đòn bẩy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường tiềm năng phát triển bền vững của TP Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL.
Các địa phương trong vùng ĐBSCL bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung hợp tác, xác định các lợi thế so sánh, xây dựng chương trình hợp tác có trọng tâm, thiết thực và cùng hành động để đạt hiệu quả cao nhất. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Trước mắt từ nay đến cuối 2025, TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải kết nối đầu tư hạ tầng trên cơ sở hoàn thiện pháp lý để mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận, mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 50B, nghiên cứu triển khai đường ven biển và đường biên giới; hoàn thiện cơ sở pháp lý của tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ để khởi công trước năm 2030. Khởi động là các hạng mục giao thông đường thủy giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tiến tới mở rộng kết nối sang Campuchia. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thủy sẽ góp phần phục vụ lĩnh vực du lịch và logistics, kết nối hàng hóa từ các trung tâm sơ chế ở ĐBSCL về các trung tâm tinh chế ở TP Hồ Chí Minh và đưa ra các cửa khẩu để xuất khẩu ra thế giới...
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái sang) và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thứ 2 từ trái sang) tham quan các gian hàng trưng bày của các địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động hợp tác chỉ hiệu quả khi các bên xác định được các lợi thế cạnh tranh của mỗi bên. Cần xác định TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn, là trung tâm chế biến và phân phối các sản phẩm của ĐBSCL và ngược lại, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đóng góp vào sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL cần đồng lòng hiệp lực hoạch định chiến lược kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sao cho hiệu quả. Đặc biệt là trong giai đoạn đang xây dựng kế hoạch đầu tư công 2026-2030. Cần phát triển hạ tầng thương mại và đầu tư liên vùng có trọng tâm, trọng điểm. Các địa phương vùng ĐBSCL cần phát triển đô thị thông minh, hiện đại gắn với sự phát triển trung tâm tài chính của TP Hồ Chí Minh. Cần quan tâm đầu tư và chia sẻ nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút nhà đầu tư đến với các địa phương. Liên kết phát triển các tour tuyến du lịch gắn liền với các giá trị văn hóa và lịch sử để thu hút du khách... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẵn sàng đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL, tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Lồng ghép các dự án ưu tiên của vùng và TP Hồ Chí Minh vào chương trình xúc tiến đầu tư của quốc gia và của Bộ để kết nối mời gọi đầu tư. Hoạt động hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL nếu được thực hiện hiệu quả sẽ là hình mẫu tốt để tiến tới nhân rộng tại các vùng, miền, địa phương trên cả nước.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN