26/11/2014 - 21:23

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực đất đai

Ngày 1-7-2014, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. So với Luật Đất đai năm 2003, Luật lần này có nhiều điểm mới quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Mới đây, đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm việc với UBND TP Cần Thơ lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng thời đưa ra những biện pháp tháo gỡ để Luật Đất đai 2013 dần đi vào cuộc sống...

* Nhiều vướng mắc

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, Luật Đất đai 2013 tạo nhiều thuận lợi cho người dân như quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp; quy định rõ ràng các quyền về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đặc biệt, áp dụng Luật mới này, tạo được sự bình đẳng đối với quyền lợi của người sử dụng đất (bao gồm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp), kể cả người dân trong và ngoài nước. Luật Đất đai mới cũng siết chặt khâu quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, quy định nhà đầu tư bất động sản và doanh nghiệp khi đầu tư vào đất đai phải có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm để đảm bảo sử dụng quỹ đất có hiệu quả.

Về tình hình triển khai Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố có chuyển biến rõ nét, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, thành phố đã tập trung chỉ đạo ngành TN&MT tổ chức tập huấn, triển khai. Song song đó, UBND thành phố xem xét và ban hành 5 văn bản thuộc thẩm quyền liên quan đến thi hành Luật Đất đai năm 2013. Bao gồm: quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hạn mức đất ở giao cho hộ gia đình, cá nhân và hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao; quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nhìn chung, việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT góp phần nâng cao nhận thức về chính sách pháp Luật đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn, nhằm đưa Luật dần đi vào cuộc sống ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Thực thi Luật Đất đai 2013 siết chặt khâu quản lý, sử dụng đất, góp phần sử dụng quỹ đất hiệu quả. (Trong ảnh: Ảnh chụp tại Khu dân cư 586, quận Cái Răng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, như: chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất ở sang đất thương mại, dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các nghị định, thông tư hay giữa các luật khác nhau; ban hành quy định xử phạt hành chính theo luật mới; xử lý phần đất nông nghiệp xen kẽ các khu dân cư… Ông Mai Văn Út, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: Theo Luật Đất đai 2013, các dự án triển khai phải tính toán giá đất cụ thể bồi hoàn cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để xác định giá đất cụ thể cho dự án, cần họp Hội đồng định giá đất khiến phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Trên thực tế nhiều người dân không thuộc đối tượng này nhưng có mong muốn phát triển sản xuất nông nghiệp, theo quy định không nhận được quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đại diện Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Hiện Cục Thuế băn khoăn việc tính tiền thuê đất theo ngày ký hợp đồng thuê đất hay theo ngày giao đất thực địa. Ngoài ra, Sở TN&MT và Cục Thuế chưa thống nhất giữa hợp đồng thuê đất có trước hay sau phiếu chuyển thông tin.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, kiến nghị: Bộ TN&MT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục để địa phương có cơ sở thực hiện thủ tục theo đúng quy định đối với trường hợp tổ chức và hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất. Đồng thời, sớm công bố chính thức Bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai và hướng dẫn kịp thời các vấn đề phát sinh từ thực tế. Xem xét bổ sung quy định thành phần hồ sơ gồm: quyết định thành lập và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với thủ tục giao đất, cho thuế đất để địa phương có cơ sở xem xét đối tượng sử dụng đất và xác định hình thức sử dụng đất khi lập thủ tục theo quy định.

* Giải quyết như thế nào?

Từ những vướng mắc của thành phố trong quá trình triển khai Luật Đất đai 2013, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai giải đáp: Bộ TN&MT đã công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai và đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ (www.monre.gov.vn), các địa phương có thể cập nhật. Tuy nhiên, bộ thủ tục chi tiết, cụ thể chưa ban hành. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương cần làm rõ tính hợp pháp, từ đó phân định từng trường hợp cụ thể để giải quyết. Nếu chuyển nhượng ngầm (không hợp pháp) cần thu hồi và làm thủ tục cho thuê đất. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sản xuất kinh doanh, địa phương cần phân định rõ thời gian tổ chức sử dụng đất trước hay sau Luật Đất đai 2013. Trường hợp trước ngày 1-7-2014, tổ chức tiếp tục sử dụng theo hình thức cho thuê trước đó, về sau nếu có nhu cầu sẽ làm hồ sơ xin thuê đất theo Luật mới. Trường hợp sau ngày 1-7-2014, áp dụng theo quy định Luật mới. Do Luật Đất đai 2013 mới ban hành, không tránh khỏi tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Vì vậy, các địa phương căn cứ theo quy định văn bản nào có tính pháp lý cao hơn, những văn bản mới ban hành sẽ ưu tiên áp dụng. Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Phiếu chuyển thông tin có trước hợp đồng thuê đất giúp doanh nghiệp xác định rõ giá đất tính toán lợi nhuận khi đầu tư. Đồng thời, tiền thuê đất được tính từ ngày có quyết định cho thuê đất. Điểm mới này nhằm nâng cao trách nhiệm của người thuê và người cho thuê đất. Trong đó, người được thuê đất nhanh chóng triển khai sử dụng đất, tránh tình trạng "ôm" đất, kéo dài thời gian thực hiện; về phía cơ quan nhà nước nâng cao tinh thân trách nhiệm nhanh chóng bàn giao đất cho người thuê.

Về vấn đề xác định giá đất cụ thể cho từng dự án, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, cho rằng: Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm, Sở TN&MT cần xác định rõ diện tích thu hồi đất. Từ đó, thuê 1-2 đơn vị tư vấn giá đất theo xuyên suốt cùng thành phố trong tư vấn giá đất cụ thể cho các dự án. Như vậy, không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Ngoài ra, Điều 191 Luật Đất đai 2013 nhằm ưu tiên giao đất cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp tránh tình trạng người làm nông không có đất. Do đó, đối với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp muốn sử dụng đất nông nghiệp có thể thông qua hình thức thành lập dự án hay lập công ty sử dụng đất. Các địa phương khi chuyển mục đích sử dụng đất cá nhân, tổ chức phải phù hợp với nội dung quy hoạch sử dụng đất... Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết thêm: Những vấn đề vướng mắc của các địa phương chưa được giải đáp trực tiếp, Bộ TN&MT sẽ có văn bản trả lời, hướng dẫn. Sau buổi làm việc, nếu các địa phương còn vướng mắc, khó khăn gửi văn bản đến Bộ để xem xét, tháo gỡ. Hiện Bộ TN&MT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013. Đoàn công tác Bộ TN&MT đi thực tế một số địa phương nắm bắt tình hình và ghi nhận những vướng mắc triển khai Luật Đất đai 2013. Từ đó, có những hướng dẫn cụ thể hơn trong Thông tư mới nhằm giải quyết những vấn đề các Thông tư trước đây chưa làm rõ…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết