18/11/2023 - 15:28

Thanh toán không dùng tiền mặt - xu thế tất yếu 

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp xu hướng này với những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Tại các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến tích cực, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. 

Người dân quét mã QR để thanh toán tiền tại quán giải khát ở phường Phước Thới.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở quận Ô Môn tăng cường tuyên truyền, cấp phát tài liệu, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên thiết bị thông minh để thực hiện những thủ tục hành chính và giao dịch thiết yếu. Chính quyền địa phương cũng đã vận động 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là hàng tạp hóa, quán cà phê trên địa bàn triển khai cung cấp mã QR, phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại tiện ích cho cả người bán và người mua hàng.

Chị Lê Thị Luyến, chủ quán cà phê ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, nói: “Quán của tôi đã trang bị mã QR để khách hàng thanh toán; qua đó việc quản lý hoạt động thu, chi tại quán cũng tiện lợi hơn rất nhiều. Thanh toán qua chuyển khoản giúp tôi giảm rủi ro mất mát tiền mặt hoặc nhận phải tiền giả”.

Tương tự, anh Nguyễn Duy Phương, bán tạp hóa ở chợ Ô Môn, đã thực hiện các giao dịch thanh toán tiền hàng hóa cho các đầu mối trên điện thoại thông minh, thông qua các app do ngân hàng cung cấp. Anh Phương cho biết: “Tôi đã thực hiện thành thạo các giao dịch chuyển, nhận tiền. Không chỉ thế, tôi còn hướng dẫn các bạn hàng cùng sử dụng để thuận tiện hơn trong việc thanh toán tiền an toàn, nhanh chóng”.

Theo ông Võ Anh Huy, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, đến nay, quận đã triển khai được 128 điểm nhận dạng cho tiểu thương trong khu vực chợ Ô Môn; lũy kế mở rộng ra các điểm kinh doanh khác trên địa bàn toàn quận là 450 điểm nhận dạng. Bên cạnh đó, quận triển khai cài đặt ứng dụng Viettel money cho 104 cán bộ, công chức, viên chức tại tất cả 7 phường và các phòng, ban của quận; đồng thời, mở rộng thêm 6 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại căn tin UBND quận và các trường THCS trên địa bàn.

Tại Thới Lai, huyện đã xây dựng, đưa mô hình “Chợ 4.0” đi vào hoạt động tại chợ Thới Lai, thị trấn Thới Lai và chợ Trường Thành, xã Trường Thành. Sau thời gian thực hiện, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn được người dân ủng hộ. Chị Trần Thị Nga cho biết: “Trước đây, việc mua sắm, thanh toán chi phí điện nước trực tiếp, nhiều khi phải đi đến tận các điểm thu mới thanh toán được. Hiện nay, tôi đã sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử nên rất thuận tiện. Khi ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu, tôi đều có thể thanh toán tiền điện, nước, tiền học phí cho con hoặc mua sắm”.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn một số khó khăn nhất định, như: kỹ năng số của bộ phận người dân còn hạn chế; việc đăng ký và sử dụng tài khoản thanh toán điện tử của người dân còn ít... Nhằm tháo gỡ khó khăn này, ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Chính quyền và ban, ngành, đoàn thể huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố đẩy nhanh chính sách hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo và cận nghèo để các hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận sớm nhất…”.

Để mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương, nhất là vùng ngoại thành, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về hình thức thanh toán; đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin. Mạng lưới ATM và POS được lắp đặt theo hướng mở rộng đối tượng phục vụ và được phân bổ khá hợp lý. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR code, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử... Đây là giải pháp vừa góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, vừa tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng. 

Với những giải pháp đồng bộ về hạ tầng, phát triển đa dạng các hình thức thanh toán, đẩy mạnh tuyên truyền các tiện ích từ dịch vụ ngân hàng điện tử... hy vọng rằng, các địa phương sẽ thúc đẩy nhanh và mở rộng hơn độ bao phủ tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết