07/06/2009 - 20:38

Thanh long bén rễ trên đất ven biển Bến Tre

Nhờ sự cần cù và sáng tạo, nhiều nông dân ở vùng đất biển tỉnh Bến Tre đã thành công với mô hình trồng thanh long. Ông Nguyễn Văn Trê ở ấp Giồng Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri là một trong những nông dân tri điền có 8 công đất trồng thanh long phát triển tươi tốt và thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng…

Trước đây, ông Nguyễn Văn Trê sở hữu đến 1,7 ha đất nhưng canh tác không hiệu quả. Hằng năm, đất của ông bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hơn 6 tháng, chỉ trồng được một vụ lúa vào mùa mưa. Mỗi công đất trồng lúa cũng chỉ thu hoạch được 5 giạ. Cuộc sống gia đình luôn đối mặt khó khăn, túng thiếu. Ông Trê suy nghĩ. Nếu tiếp tục gắn bó cây lúa thì khó mà vượt qua lẫn quẫn của nghèo khó. Chỉ có cải tạo đất ruộng thành vườn để trồng dừa và một số chủng loại cây ăn trái thì may ra thu nhập mới được cải thiện. Đầu tiên ông trồng sa-pô-chê nhưng năng suất cho trái thấp và cây thường xuyên bị sâu bệnh. Ông chuyển sang trồng đu đủ, thu hoạch trái chỉ một lần, rễ ăn sâu vào đất gặp phèn, sức sống giảm và chết dần.

Đến năm 1997, ông Trê được những người bạn ở Ninh Thuận và Bình Thuận hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây thanh long. Lúc đầu ông ngại vì sợ cây không thích nghi vùng đất nhiễm phèn, nghèo chất dinh dưỡng. Nhưng khi được những người bạn phân tích tường tận đặc thù của cây thanh long, ông sang Tiền Giang mua nhánh về trồng và nhân rộng nâng dần diện tích lên 8 công. Rồi phải mất tiếp 5 năm khắc phục tình trạng thanh long bị kiến và bọ xích tấn công. Chưa hết, khi đó giá trái thanh long chỉ 2.000 đồng/kg khiến nhà vườn lao đao, nhưng ông vẫn kiên trì...

Ông Nguyễn Văn Trê chăm sóc thanh long. 

Nghề dạy nghề, ông chọn cây me tây và me chua trồng làm trụ để thanh long bò lên. Rồi dọn dẹp lại vườn cho thông thoáng, đảm bảo nhiều ánh sáng chiếu vào cây trồng. Cây thanh long không đòi hỏi cao về kỹ thuật, chi phí phân thuốc rất ít. Vào mùa nắng, vài hôm tưới nước cho cây một lần để giữ độ ẩm.

Hằng năm, cây thanh long cho trái từ tháng 4-10 âm lịch nhưng cao điểm vẫn là tháng 7 và tháng 8 âm lịch. Kết thúc vụ trái, ông tiến hành tỉa cành, tạo tán và đầu tư chăm sóc để cây phát triển sum suê, không đổ gãy do mưa, gió. Thấy thị trường ưa chuộng thanh long ruột đỏ, ông bèn tìm đến các nhà khoa học và tài liệu rồi mày mò hoàn tất việc chuyển đổi để trái thanh long có ruột đỏ, bán được giá cao. Cây trồng càng lâu năm cho trái càng nhiều. Hiện, một cây thanh long trung bình cho trái 80-100 kg/năm, giá bán 8.000-10.000 đồng/kg.

“Ở địa phương này, nhờ trồng cây thanh long mà điều kiện gia đình được cải thiện. Đến khi thu hoạch, nhà vườn chỉ cần điện thoại là thương lái đến tận nhà mua và chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cây thanh long đem lại cho tôi nguồn thu luôn cao hơn 50 triệu đồng/năm”, ông Trê tâm đắc.

Mô hình trồng cây thanh long thành công đang là hướng mở cho nông dân vùng biển Bến Tre có thêm một chủng loại cây trồng mới hiệu quả và thích hợp với vùng đất vốn rất kén cây trồng này.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

Chia sẻ bài viết