03/03/2020 - 07:04

Thăng trầm cây ớt chỉ thiên 

Vụ ớt năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất và sản lượng tăng cao so với cùng thời điểm các năm trước. Tuy nhiên, thời gian qua, giá ớt liên tục ở mức thấp làm cho nông dân gặp khó khăn.

Anh Lê Thanh Cường (bên trái) bên ruộng ớt sắp thu hoạch cổ 2.

Anh Nguyễn Thanh Cường, ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh gắn bó với cây ớt hơn 10 năm qua, chưa bao giờ chứng kiến giá ớt ở mức thấp liên tục như trong nhiều tháng qua. Thông thường hằng năm, giá ớt dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 40.000-50.000 đồng/kg, với mức giá này người trồng ớt có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/công. Vụ ớt năm nay, anh Cường trồng 3 công ớt chỉ thiên với mong muốn cho thu nhập cao hơn cây lúa. Thế nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá ớt liên tục giảm ở mức rất thấp, đối với ớt chỉ thiên đang được các thương lái thu mua với giá 7.500 đồng/kg và 11.000 đồng/kg đối với ớt đã lặt bỏ cuống. Với mức giá này người trồng ớt đứng trước nguy cơ thua lỗ. Anh Cường nói: “Với 3 công ớt tôi đã đầu tư khoảng 69 triệu đồng, trong đó, chi phí làm đất, mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh hơn 43 triệu đồng. Thời điểm trước Tết, tôi thu hoạch đợt trái đầu (cổ 1) bán được 14.000 đồng/kg, hiện tại giá chỉ còn 7.500 đồng/kg, trong khi, tiền thuê nhân công hái trái hết 4.000 đồng/kg, nếu tình trạng này kéo dài coi như vụ ớt này lỗ chắc”.

Anh Cường là một trong số ít nông dân xã Vĩnh Bình còn gắn bó với cây ớt. Trước đây, giá ớt ổn định, nhiều bà con nông dân địa phương chuyển từ canh tác lúa sang trồng ớt theo hình thức xen canh hoặc chuyên canh với diện tích hơn 26ha, nhưng do giá cả bấp bênh và thị trường tiêu thụ không ổn định nên nhiều bà con thua lỗ đành bỏ cây ớt trở lại trồng lúa. Hiện số diện tích trồng ớt của xã chỉ còn khoảng 3ha. Anh Lê Văn Quí, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Bình, nói: “Mấy năm trước giá ớt ổn định nên nhiều bà con chuyển sang trồng ớt để tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, do giá cả ớt sụt giảm, ở mức thấp, trong khi chi phí đầu tư khá cao nên bà con trở lại gieo sạ lúa, từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Theo các hộ trồng ớt cho biết, vòng quay một vụ ớt kéo dài từ 5-6 tháng, tính từ lúc xuống giống tới khi thu hoạch đợt trái đầu khoảng 2 tháng, thu hoạch từ 2-3 cổ trái. Tuy nhiên, chỉ có cổ trái đầu là có giá, vì cổ 2, cổ 3 nhỏ trái lại không đẹp nên bán giá thấp hơn. Trung bình mỗi công ớt vốn đầu tư từ 15-20 triệu đồng, đó là đối với đất nhà còn đất thuê thì chi phí cao hơn từ 4-4,5 triệu đồng. Với mức đầu tư như vậy nên giá ớt phải từ 15.000-20.000 đồng/kg thì nông dân mới có lời. Ông Phạm Văn Thuận, ở ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến trồng 6 công ớt, mấy năm trước mỗi vụ thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, năm nay đã thu hái được 2 cổ ớt mà vẫn chưa lấy được vốn đầu tư. Ông Thuận cho biết: “Chi phí cho một vụ ớt khá cao nhưng giá thì quá thấp, chỉ tính riêng chi phí hái trái đã hơn phân nửa giá ớt thì nông dân làm sao có lời”.

Xã Thạnh Tiến, trước đây là một trong những địa phương, phát triển mạnh cây ớt với hơn 22ha. Cây trồng này cho hiệu quả cao hơn 2-3 lần so với cây lúa nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hiện nay diện tích trồng ớt ở địa phương không còn nhiều. Ông Lê Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tiến, cho biết: “Vài năm trước, diện tích trồng ớt ở xã phát triển khá mạnh, giúp cho bà con nông dân có thêm nhiều lựa chọn trong canh tác nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động nhưng thu nhập từ loại cây trồng này cũng lắm thăng trầm do phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và giá cả thị trường. Nếu xuống giống mùa thuận gặp thời tiết tốt thì cây cho trái nhiều, năng suất cao, nhưng thời điểm thu hoạch thường rớt giá, bà con trồng mùa nghịch, ớt chín vào mùa nước nổi gặp thời điểm mưa nhiều, cây thường bị bệnh thán thư, thối trái,… làm mất năng suất, lắm khi còn bị rớt giá và khó bán nên bà con nông dân không còn mặn mà. Hiện tại chỉ còn một vài hộ trồng ớt với diện tích 3,3ha”.

Cũng như nhiều loại cây trồng khác, cây ớt đang lao đao trước thực trạng được mùa nhưng rớt giá, trong khi chi phí đầu tư sản xuất ngày càng tăng cao, nên thu nhập của người nông dân rất bấp bênh. Vấn đề đặt ra là các cấp, ngành chức năng cần có những chỉ đạo, định hướng sản xuất chặt chẽ, gắn liền với thị trường... thì mới có thể ổn định và phát triển sản xuất một cách bền vững.

Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết