25/04/2020 - 07:16

Tháng lễ Ramadan trong nỗi lo COVID-19 

Theo truyền thống, 23-4 là ngày bắt đầu của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nơi cầu nguyện bị đóng cửa do đại dịch COVID-19, tháng lễ Ramadan sẽ có chút khác biệt trong năm nay.

Bất chấp cảnh báo rủi ro, các tín đồ Hồi giáo ở Indonesia vẫn tập trung cầu nguyện tại nhà thờ hôm 23-4. Ảnh: AFP

Saudi Arabia, nơi tọa lạc của nhiều đền thờ linh thiêng nhất đạo Hồi, bắt đầu tháng lễ Ramadan với chia sẻ của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud rằng ông rất buồn khi người Hồi giáo không thể cầu nguyện tại nhà thờ vì những hạn chế mà SARS-CoV-2 mang lại. “Thật đau lòng khi tháng lễ diễn ra trong hoàn cảnh mà chúng ta không thể cầu nguyện theo nhóm và tham gia các buổi cầu nguyện  tại các nhà thờ Hồi giáo do những hạn chế của các biện pháp phòng chống COVID-19 nhằm bảo vệ cuộc sống và sức khỏe người dân” - Quốc Vương Salman bày tỏ. Hầu hết các quốc gia Arab gồm Syria, Ai Cập, Tunisia, Jordan và Bahrain cũng tuyên bố 24-4 là ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan.

Thông thường, tháng lễ Ramadan bắt đầu từ tối 23-4 và kết thúc vào ngày 23-5. Trong khoảng thời gian 30 ngày này, những người Hồi giáo sẽ nhịn ăn, nhịn uống từ sáng đến tối. Họ chỉ có thể ăn trước khi Mặt trời mọc gọi là suhoor và sau khi Mặt trời lặn với người thân hay bạn bè gọi là iftar. Ngoài ra, những người Hồi giáo cũng được yêu cầu bố thí cho người nghèo, đặc biệt là phải kiêng “chuyện ấy”.

Trong tháng lễ Ramadan, Eid al-Fitr, ngày cuối cùng của tháng, được xem là một trong những ngày quan trọng nhất đối với người Hồi giáo. Ban ngày, các tín đồ Hồi giáo thường tập trung ở nhà thờ để tiến hành buổi cầu nguyện đặc biệt gọi là Salat al-Eid. Sau đó họ tham gia nghi thức bố thí cho người nghèo hoặc tặng quần áo mới nhằm đánh dấu sự đổi mới về tinh thần. Trong ngày này, các tín đồ thường tham dự buổi tiệc chay với các thành viên trong gia đình và bạn bè.

Còn trong những ngày khác của tháng, phần lớn việc những người Hồi giáo làm là tham dự các buổi cầu nguyện được tổ chức hàng ngày tại nhà thờ, đặc biệt là vào ban đêm. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 hoành hành, hầu hết các quốc gia cho đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, trong đó có các thánh địa nổi tiếng như Mecca, Medina tại Saudi Arabia; yêu cầu mọi người cầu nguyện tại nhà; tránh các cuộc tụ tập đông người; ăn suhoor và iftar riêng lẻ hoặc với gia đình tại nhà; áp đặt các lệnh giới nghiêm để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Đặc biệt tại Ai Cập, các nghi thức truyền thống như ăn iftar theo nhóm, bố thí cho người nghèo đều bị cấm. Còn tại Malaysia, Brunei và Singapore, các buổi họp chợ bán thực phẩm, đồ uống và quần áo trong tháng lễ Ramadan cũng bị cấm.

Trong khi đó, Jordan cấm tổ chức các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ, yêu cầu người dân cầu nguyện tại nhà. Tại Iran, một trong những quốc gia bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cũng kêu gọi người dân tránh tham dự các buổi cầu nguyện tập thể. Đáng chú ý, Pakistan sẽ cho phép tổ chức các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan nhưng các tín đồ Hồi giáo phải giữ khoảng cách là 2 mét và được khuyến khích mang theo thảm cầu nguyện riêng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tín đồ Hồi giáo có thể tổ chức các buổi cầu nguyện ảo tại nhà để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có nỗi lo một số nơi người Hồi giáo không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, tổ chức Hồi giáo hàng đầu ở tỉnh có truyền thống bảo thủ Aceh đã công khai phớt lờ mệnh lệnh “ở nhà” của chính phủ và đã có hàng ngàn tín đồ tham dự lễ cầu nguyện tại nhà thờ lớn nhất của tỉnh này hôm 23-4.

TRÍ VĂN (Theo Bangkokpost, CNN, AFP)

Chia sẻ bài viết