19/11/2013 - 21:21

Thân thiện với trẻ em - chiến thuật nâng chất điều trị của các bệnh viện Mỹ

Trò chơi bác sĩ giúp bệnh nhi làm quen với các bước điều trị và bớt lo sợ khi bước vào liệu trình chữa bệnh thật sự. Ảnh: Mission Children’s Hospital

Bị đâm bằng kim tiêm sắc nhọn, bị nhốt trong máy MRI ồn ào, bị chụp mặt nạ gây mê trước khi phẫu thuật… Những trải nghiệm trong bệnh viện đủ gây khó chịu cho người lớn, còn đối với trẻ em, chúng đặc biệt căng thẳng và lo sợ. Vì vậy, nhiều bệnh viện nhi đã áp dụng một số phương pháp sáng tạo để giúp trẻ bớt sợ hãi và đau đớn trong liệu trình khám chữa bệnh.

Khi tiến bộ y học có thể giúp nhiều trẻ sinh non và trẻ nhỏ có thêm cơ hội sống sót sau khi được chẩn đoán các bệnh hiểm nghèo như ung thư, bại não, bệnh xơ nang và dị tật tim bẩm sinh, nhiều trẻ phải đối mặt với những biện pháp chữa trị đau đớn và xâm lấn. Hiệp hội các bệnh viện nhi quốc gia và các tổ chức liên quan cho biết hiện có khoảng 3 triệu trẻ em Mỹ đang thực hiện liệu trình y tế phức tạp và con số này đang gia tăng khoảng 5%/năm.

Các nghiên cứu cho thấy, không chỉ là những khó chịu tạm thời, sự sợ hãi và đau đớn trong các bước điều trị có thể dẫn đến sang chấn (tâm lý) lâu dài cho trẻ. Mạng lưới quốc gia về kiểm soát căng thẳng sau chấn thương ở trẻ em cho biết có đến 80% bệnh nhi và gia đình báo cáo có tình trạng căng thẳng do sang chấn tâm lý sau khi nằm viện hoặc trải qua các đợt chữa bệnh đau đớn. Nếu không được điều trị, nó có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị và phục hồi. "Việc tiến hành một liệu trình ít đáng sợ và dễ chịu hơn cho một đứa trẻ có thể đưa đến kết quả tốt hơn", chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) chính xác hơn và dùng thuốc an thần ít hơn - theo Susan DeVore, Giám đốc điều hành Premier Inc., đơn vị đi đầu về chương trình cải thiện chất lượng khám chữa bệnh trẻ em tại Mỹ.

Bệnh viện Mission Children ở Asheville (bang Bắc Carolina), thuộc hệ thống y tế phi lợi nhuận Mission Health, gần đây đã chi tới 60.000 USD để trang bị một hệ thống video kỹ thuật số với kính bảo hộ đặc biệt cho phép bệnh nhi đeo để xem phim trong khi chụp MRI. Bret Sleight, giám đốc khoa X-quang trẻ em, cho biết cách làm này giúp loại bỏ nhu cầu dùng thuốc an thần - vốn tốn kém, mất thời gian và chứa một số rủi ro - đối với trẻ nhỏ, đối tượng thường sợ chụp MRI hoặc hay cựa quậy trong máy chụp MRI. Thuốc an thần có thể khiến trẻ bị choáng và buồn nôn, trong khi xem một bộ phim lại giúp trẻ nằm im khi kiểm tra, làm giảm nguy cơ làm lại qui trình kiểm tra tốn kém này, Tiến sĩ Sleight nói.

Joanna Arthur (5 tuổi) ra đời với tật nứt đốt sống, tình trạng các xương cột sống không hình thành quanh tủy sống như bình thường. Cô bé phải chụp MRI nhiều lần để theo dõi thiết bị mạch rẽ (shunt) được cấy trong não nhằm làm giảm sự tích tụ dịch tủy. Bà Joy Arthur, mẹ của Joanna, cho biết nếu dùng thuốc an thần trước khi chụp MRI, cô bé phải mất một ngày mới tỉnh lại. Nhưng tại Mission Children, chuyên gia Amy Anne Waters đã gặp Joanna trước khi chụp MRI và cho cô bé thấy một con rối được đưa vào máy MRI giả như thế nào, đồng thời giải thích chiếc kính bảo bộ sẽ giúp ngăn ngừa cảm giác sợ nơi chật hẹp bằng những đoạn phim thú vị. Xem "Cơn mưa thịt viên"(Cloudy with a chance of Meatballs) trong một lần chụp MRI gần đây, Joanna nằm im đến nỗi người mẹ tưởng con gái mình đang ngủ. Sau khi kiểm tra hoàn tất và Joanna gỡ kính ra, cô bé chỉ thắc mắc "con chưa xem được kết cục của phim", bà Arthur nhớ lại.

Tại Trung tâm y tế trẻ em Cardon ở Mesa (bang Arizona), thuộc hệ thống y tế phi lợi nhuận Banner, phòng trẻ em được chỉ định là "khu vực an toàn". Theo đó, sau khi làm xong các thủ tục chẩn đoán và xét nghiệm, trẻ sẽ đến một tủ đồ chơi để chọn ra một món để xoa dịu mình. Còn khi cần chèn một ống tiêm tĩnh mạch, nhân viên y tế sẽ dùng một thiết bị gọi là J-Tip, sử dụng khí nén truyền thuốc tê vào mô dưới da, để việc đưa kim luồn vào tĩnh mạch không gây đau đớn cho trẻ. Ngoài ra, bệnh nhi còn được bác sĩ gây mê dẫn đi tham quan phòng phẫu thuật và thử đeo mặt nạ gây mê trước ngày phẫu thuật để làm quen. "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng các bé được chuẩn bị tốt, bị phân tâm (khỏi sự lo lắng) và cơn đau của các em được kiểm soát hoàn toàn", Rhonda Anderson, Giám đốc điều hành Cardo, giải thích.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy trò chơi bác sĩ giúp trẻ em chuẩn bị tinh thần khi điều trị. Thường thì các bé tạo ra những câu chuyện về những nhân vật vượt qua bệnh tật và đau đớn. Theo một nghiên cứu gần đây, trẻ em được lợi từ việc thể hiện cảm xúc khi chơi với bộ đồ chơi bác sĩ, bà Laura Nabors - Phó giáo sư tại Đại học Cincinnati, cho biết. Đôi khi, các bé tái hiện những trải nghiệm khó chịu (của bản thân) nhưng nhìn chung, các nhân vật cuối cùng đều trở nên khỏe mạnh.

Chuyên gia Mindy Mesneak ở trung tâm Cardon cho biết những câu chuyện của trẻ cung cấp cái nhìn sâu sắc về cảm giác mà các em đang đối mặt cũng như giúp các em cảm thấy tốt hơn về những gì đã trải qua. Bà Kelly Tobin thừa nhận việc chuyên gia tại Trung tâm Cardon sử dụng trò chơi bác sĩ dỗ ngọt bệnh nhi quả thật đã làm cho thời gian nằm viện kéo dài cả tuần của con gái mình - bé MacKenzie Tobin (4 tuổi) đang điều trị biến dạng hộp sọ - trở nên dễ chịu hơn.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Washington Post)

 

Chia sẻ bài viết