18/09/2010 - 21:37

Thân phận người Roma ở châu Âu

Cộng đồng người Roma tại Thủ đô Bucharest của Hungary. Ảnh: New York Times

Antonio Moreno sống tại một khu phố nổi tiếng nguy hiểm nhất Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nhưng anh vẫn có cuộc sống khá giả trong căn hộ có 4 phòng ngủ và 1 bể bơi nhờ sở hữu một tiệm chụp hình và quay phim. Anh là một trong 40.000 người Roma, hay còn gọi là Gypsy, định cư ở vùng ngoại ô Madrid. Moreno bộc bạch anh là người Gypsy mang quốc tịch Tây Ban Nha, và anh rất tự hào về điều đó. “Chúng tôi (những người Gypsy) sống rất hòa nhập ở đây (Tây Ban Nha) và chưa bao giờ xảy ra vụ trục xuất nào như tại Pháp hiện nay”, Moreno cho biết thêm.

Theo báo Thời đại (Mỹ), cuộc sống của người Roma ở Tây Ban Nha đã trở nên ổn định từ sau khi chế độ độc tài Francisco Franco sụp đổ cách nay 35 năm. Dưới thời Franco, người Gypsy không có việc làm, bị cấm học hành hay tụ tập nhóm hơn 4 người. Ngày nay, Tây Ban Nha được Ủy ban châu Âu (EC) công nhận là “hình mẫu hội nhập” của cộng đồng người Roma. Chính quyền Bulgarie, Slovakia, Hungary, CH Czech và Roumanie - những quốc gia “gốc” của người Roma – đang cử người sang Tây Ban Nha học tập kinh nghiệm giải quyết vấn đề người Roma.

Tây Ban Nha có khoảng 970.000 người Roma sinh sống, chiếm 2% dân số. Hàng năm, các cấp chính quyền Tây Ban Nha giành ra khoảng 36 triệu euro để giúp người Roma giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, 50% số người Roma sở hữu nhà riêng và số người còn cư ngụ trong những túp lều tạm bợ chỉ khoảng 5%. Hầu hết các chuyên gia tin rằng một trong những yếu tố làm nên thành công giúp người Roma thoát khỏi đói nghèo tại Tây Ban Nha là nhờ họ có quyền tiếp cận nền giáo dục. Tất cả trẻ em đều được cắp sách đến trường và 85% số người Roma biết chữ. Người Roma nào đưa trẻ em đến trường và có giấy chứng nhận được chăm sóc y tế đều được tạo điều kiện mua nhà ở công ích giá rẻ hay được hỗ trợ tài chính. Giới trẻ, người thất nghiệp thì được dạy kỹ năng nghề nghiệp tương đương bậc trung cấp để có thể làm việc cho các công ty tư nhân.

Tuy nhiên, sự thành công trên là nhờ vào mức đầu tư lớn mà không phải quốc gia châu Âu nào cũng có khả năng thực hiện. Vì thế, theo Giám đốc điều hành Cơ quan Thông tin về người Roma châu Âu có trụ sở tại Brussels (Bỉ), ông Ivan Ivanov, con đường tốt nhất để tránh xảy ra chuyện bắt bớ, trục xuất người Roma như tại Pháp và Ý là đảm bảo rằng cộng đồng này tìm thấy hạnh phúc tại chính quê hương họ chứ không cần ra nước ngoài. “Sự trục xuất sẽ không có hiệu quả, vì người Roma sẽ quay trở lại chỉ sau vài tháng”, theo ông Ivanov. Điều này rất đơn giản vì theo luật pháp EU, bất kỳ công dân EU nào, trong đó có người Roma, cũng có quyền tự do đi lại trên lãnh thổ các nước thành viên và có thể ở trong 3 tháng nếu có chứng minh thư hay hộ chiếu hợp lệ. Họ có thể ở lâu hơn nếu tìm được việc làm. Còn nếu muốn trục xuất họ, chính quyền sở tại phải chứng minh mức độ mối đe dọa mà họ gây ra đối với an ninh trật tự hoặc gánh nặng an sinh xã hội.

Năm 2009, chính quyền Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trục xuất 11.000 người Roma. Trong tháng 8-2010, Paris đã trục xuất 1.000 người Roma về Roumanie và Bulgarie. Hàng trăm “khu định cư” bất hợp pháp của người Roma tại Pháp bị phong tỏa. Theo chính phủ Pháp, phần lớn người Roma trở về nước là do “tự nguyện” để được “hưởng” 300 euro cho một người lớn và 100 euro cho một trẻ em, đồng thời có thể được vay 3.600 euro nếu bắt đầu hoạt động kinh doanh nhỏ tại quê nhà. Có điều người ta không rõ bao nhiêu người sau khi bị trục xuất đã quay trở lại Pháp. Hiện tại, Pháp có khoảng 15.000-20.000 người Roma sinh sống. Ở Ý, nơi có 150.000 người Roma sinh sống, chính quyền đã có kế hoạch “đóng cửa” tất cả các “khu định cư” và trục xuất những người sống bất hợp pháp.

Tính chung, cả châu Âu có khoảng 10-12 triệu người Roma. Các tổ chức nhân quyền cho biết cộng đồng này thường xuyên bị phân biệt đối xử, thậm chí bị ngược đãi, đa số sống dưới ngưỡng đói nghèo với tâm trạng lo sợ và có tuổi thọ trung bình thấp.

PHÚC GIA AN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết