Chỉ trong vòng 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu về công nghệ như đưa người vào vũ trụ, tự đóng hàng không mẫu hạm đến phát triển chiến đấu cơ tàng hình. Giờ đây, Bắc Kinh đang bắt đầu cho thế giới thấy khả năng của mình một lần nữa, lần này là trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Cuộc chiến giành quyền thống trị
Bên ngoài trụ sở Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày mai (5-3), kế hoạch chi tiết về thế thống trị trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ được Bắc Kinh công bố cùng với kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Bloomberg cho biết, kế hoạch này là một chiến lược nhiều lớp, bao gồm tham vọng thay thế các nhà cung cấp chất bán dẫn Mỹ, đối đầu với Washington trong khi nhào nặn ra những con chip “Made in China” bằng các công nghệ mới nổi.
Dù chi tiết cụ thể của kế hoạch không được tiết lộ nhưng những bình luận của các quan chức chính phủ, các cơ quan ngôn luận cũng như các viện chính sách của Trung Quốc phần nào đã hé lộ tham vọng của Bắc Kinh. Theo đó, kế hoạch đòi hỏi trong vòng 5 năm tới phải tạo ra lượng sản phẩm bán dẫn đủ dùng cho ô tô điện, thậm chí cho cả các ứng dụng quân sự, từ đó giúp Trung Quốc có thời gian tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất chip thế hệ thứ ba mà chưa có quốc gia nào thống trị.
Bắc Kinh cũng hy vọng tạo ra một loạt “gã khổng lồ” trong các lĩnh vực như máy móc, phần mềm và vật liệu mới. Và mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là “soán ngôi” các công ty công nghệ như Cadence và Synopsys của Mỹ trong thiết kế phần mềm hay ASML Holding NV (Hà Lan) trong phát triển thiết bị sản xuất chip. “Bán dẫn là một lĩnh vực quan trọng trong kỷ nguyên thông tin vốn sẽ dẫn dắt tương lai phát triển kinh tế. Đồng thời, nó sẽ giúp Trung Quốc đạt được khả năng tự cường và tăng cường năng lực của chúng ta” - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Vương Chí Cương tuyên bố trong cuộc họp báo mới đây.
Được biết, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc đã dành ra khoảng 1 ngàn tỉ nhân dân tệ (155 tỉ USD) để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trong vòng 5-10 năm. Ông Vương tiết lộ Bắc Kinh sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh này trong những năm tới, từ đó sẽ kích thích dòng vốn tư nhân lớn hơn để tạo ra những bước đột phá thực sự. Đơn cử, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ đầu tư số tiền lên tới 1,4 ngàn tỉ USD đến năm 2025 cho các công nghệ từ mạng không dây đến trí tuệ nhân tạo, phần lớn trong số này sẽ dành cho việc phát triển chất bán dẫn.
Bị Mỹ cản đường?
Tuy nhiên, nỗ lực trở nên độc lập hơn trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc dường như không dễ dàng. Giới chuyên gia cho rằng các công ty trong nước của Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để có thể sánh ngang với các công ty nước ngoài về chuyên môn sản xuất và thiết kế chip. Mario Morales, nhà phân tích tại IDC ước tính, các công ty Trung Quốc sẽ chỉ có thể cung cấp 35% nhu cầu trong nước vào cuối thập kỷ này. Họ cũng phải đấu tranh với Mỹ, bởi Washington cho thấy họ có ý định kế thừa một quy tắc do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng công nghệ, trong đó cho phép Bộ Thương mại Mỹ có thẩm quyền trong việc cấm các giao dịch liên quan đến “đối thủ nước ngoài” như Trung Quốc.
Mặt khác, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phát động cuộc chiến chống lại cái gọi là “chuyên quyền công nghệ”. Theo đó, Washington cấm thực hiện các giao dịch quan trọng với các công ty công nghệ Trung Quốc, từ Huawei, ByteDance cho đến Tencent. Không những vậy, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa trong tháng này dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip điện tử và các sản phẩm quan trọng chiến lược khác để ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, thông qua việc hợp tác với Úc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, Hội đồng An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo của Mỹ trong báo cáo dài 750 trang mới đây đề xuất rằng “Mỹ và các đồng minh nên áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn cao cấp nhằm bảo vệ lợi thế kỹ thuật hiện có và làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc”.
TRÍ VĂN