27/05/2023 - 08:30

Tham vọng không gian của Hàn Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Hàn Quốc hôm 25-5 đã phóng tên lửa đẩy vũ trụ Nuri do nước này tự chế tạo để đưa 8 vệ tinh thực nghiệm vào quỹ đạo. Vụ phóng được xem là bước tiến quan trọng cho chương trình không gian đầy tham vọng của xứ kim chi.

Tên lửa Nuri rời bệ phóng hôm 25-5. Ảnh: Reuters​

Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cùng Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) cho biết, tên lửa Nuri đã được phóng từ Trung tâm không gian Naro tại làng Goheung vào lúc 18 giờ 24 phút (theo giờ địa phương). Sau khi cất cánh và hoàn thành chặng bay trong khoảng 20 phút, tên lửa đưa các vệ tinh vào quỹ đạo cách Trái đất 550km trong khoảng 13 phút.

Hãng tin Yonhap cho hay, tên lửa Nuri có chiều dài 47,2 mét, đường kính 3,5 mét và nặng 17,5 tấn. Khác với lần phóng thứ nhất và thứ hai trước đó chỉ mang theo vệ tinh mô phỏng, tên lửa đẩy Nuri trong lần phóng thứ 3 này mang theo 8 vệ tinh thực nghiệm có thể thực hiện nhiệm vụ thực tế, trong đó gồm một vệ tinh cấp thương mại có nhiệm vụ xác minh công nghệ hình ảnh radar và quan sát bức xạ vũ trụ trong quỹ đạo gần Trái đất.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trên trang cá nhân Facebook viết: “Hôm nay, chúng tôi xác nhận rằng giấc mơ có thể trở thành hiện thực. Tôi hy vọng các thế hệ tương lai của chúng ta có một giấc mơ và thử thách lớn khi nhìn tên lửa Nuri bay vút vào không gian”. Giáo sư Kwon Se-jin từ khoa kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cho biết: “Chúng tôi có thể có các khách hàng nước ngoài trong tương lai sắp tới và mang vệ tinh của họ lên vũ trụ giống như các cường quốc vũ trụ khác, chẳng hạn như Mỹ.”

Vụ phóng thành công tên lửa Nuri đã thúc đẩy hy vọng của Hàn Quốc trong việc bắt kịp các nước láng giềng châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ trong cuộc đua không gian khu vực. Giới chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa cũng sẽ giúp Hàn Quốc tích lũy công nghệ và vận hành các vệ tinh do thám quân sự và chế tạo tên lửa tầm xa. Hiện Hàn Quốc sở hữu tên lửa có khả năng vươn tới Triều Tiên. Song, giới chuyên gia cho rằng Seoul cần các tên lửa tầm xa hơn để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa an ninh trong tương lai từ các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga.

Sau nhiều lần thất bại trong hơn 2 thập niên, Hàn Quốc đã khởi động dự án Nuri, hay còn gọi là KSLV-II, đầu tư gần 2 ngàn tỉ won (tương đương 1,52 tỉ USD) chế tạo tên lửa 3 tầng bằng công nghệ vũ trụ trong nước, từ thiết kế, chế tạo đến thử nghiệm và phóng. Năm 2021, tên lửa Nuri đã bay thành công đến độ cao mục tiêu là 700km nhưng không thể đưa được một vệ tinh giả vào quỹ đạo do động cơ đẩy tầng ba của tên lửa khởi động sớm hơn dự kiến. Năm 2022, tên lửa đẩy Nuri đã hoàn thành sứ mệnh đưa vệ tinh giả vào quỹ đạo mục tiêu theo đúng kế hoạch và giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển được phương tiện phóng vào không gian có thể mang vệ tinh nặng hơn 1 tấn, sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Ngoài vụ phóng tên lửa nói trên, Hàn Quốc đã vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng cho chương trình không gian vũ trụ của nước này. Theo đó, Seoul có kế hoạch tiến hành thêm 3 vụ phóng tên lửa Nuri nữa vào năm 2027 trong nỗ lực nhằm nâng cấp chương trình tên lửa vũ trụ nước này. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn có kế hoạch khởi động dự án không gian mang tên KSLV-III, phát triển tên lửa thế hệ tiếp theo với tổng giá trị đầu tư 2,1 ngàn tỉ won trong 10 năm tới. Dự án nhằm mục đích phát triển tên lửa hai tầng sử dụng công nghệ đốt cháy nhiều tầng nhiên liệu, đưa tàu đổ bộ Mặt Trăng do Hàn Quốc sản xuất lên vệ tinh Trái đất vào năm 2032.

Đáng chú ý, sau vụ phóng thành công tên lửa Nuri hồi năm 2022, Hàn Quốc đã công bố lộ trình cho “nền kinh tế vũ trụ trong tương lai”, đưa nước này trở thành cường quốc “kinh tế vũ trụ”. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập cơ quan hàng không vũ trụ tương tự như Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Cuộc đua vệ tinh do thám liên Triều

Về phần mình, các vụ phóng thử tên lửa từ năm 2022 cho thấy Triều Tiên có năng lực tấn công hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và lục địa Mỹ, đồng thời đang tìm cách phát triển các hệ thống vũ khí tinh vi hơn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng trước khoe rằng Bình Nhưỡng đã hoàn thành vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên và kêu gọi phóng vệ tinh này lên quỹ đạo để giám sát lực lượng Mỹ và đồng minh ở châu Á.

Hàn Quốc cũng đang phát triển vệ tinh do thám do Cơ quan phát triển quốc phòng phụ trách với mức chi tiêu lên đến hơn 1,1 tỉ USD từ nay đến năm 2030. Dự kiến vào tháng 11 tới, vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Hàn Quốc sẽ được phóng từ hệ thống rocket Falcon 9 của Tập đoàn SpaceX.  Hiện nay, Hàn Quốc phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh của Mỹ trong việc theo dõi các hoạt động quân sự của Triều Tiên và mục tiêu của Seoul là tự phóng và sở hữu có hệ thống vệ tinh do thám riêng.

 

Chia sẻ bài viết