29/09/2022 - 09:21

Thái tử bin Salman trở thành thủ tướng Saudi Arabia 

Ngày 27-9, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã ban hành các sắc lệnh hoàng gia về việc cải tổ nội các, theo đó Thái tử Mohammed bin Salman được bổ nhiệm làm Thủ tướng và Hoàng tử Khalid bin Salman được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng của nước này.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, Thái tử Mohammed bin Salman giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Hoàng tử Khalid bin Salman, em trai của Thái tử, giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng.

Bằng cách chỉ định Thái tử bin Salman làm Thủ tướng, vai trò thường được nắm giữ bởi Quốc vương, ông Salman tiếp tục cuộc chuyển tiếp quyền lực chậm nhưng chắc tại Saudi Arabia. Sắc lệnh hoàng gia không nêu lý do về việc bổ nhiệm trên, nhưng Hãng tin SPA của Saudi Arabia cho biết Quốc vương Salman vẫn sẽ là nguyên thủ quốc gia và tiếp tục chủ trì các cuộc họp nội các mà ông tham dự. Ông Salman, 86 tuổi, lên ngôi vào năm 2015 sau hơn 2 năm rưỡi trở thành Thái tử của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này. Hồi tháng 5, Vua Salman đã phải nhập viện để kiểm tra y tế.

Tầm nhìn 2030

Thái tử bin Salman, 37 tuổi, là người cai trị thực tế tại Saudi Arabia, nhưng việc bổ nhiệm sẽ hợp thức hóa vai trò là người đứng đầu chính phủ của ông.

Thái tử bin Salman đã nắm quyền điều hành các lĩnh vực quan trọng của vương quốc trong nhiều năm, bao gồm kinh tế, quốc phòng, dầu mỏ và an ninh nội địa. Năm 2016, vị thái tử này công bố sáng kiến Tầm nhìn 2030, nhằm đưa Saudi Arabia trở thành trái tim của thế giới Hồi giáo và Arab, cường quốc đầu tư, trung tâm kết nối 3 châu lục. Tầm nhìn 2030 còn muốn đa dạng hóa và tư nhân hóa nền kinh tế, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Đến năm 2030, sáng kiến trên sẽ hướng tới mục tiêu thiết lập hệ thống chính phủ điện tử.

Ông bin Salman trở thành Thái tử Saudi Arabia vào năm 2017, sau một thời gian giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Bước đi gây chú ý nhất của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là chỉ đạo chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở quốc gia láng giềng Yemen, chống phiến quân Houthi. 

Ngoài ra, Thái tử bin Salman còn thực hiện chính sách đối ngoại quyết liệt hơn nhằm đối phó ảnh hưởng của “kẻ thù” Iran trong khu vực. Vị này đã thay đổi Saudi Arabia đáng kể kể từ khi ông lên nắm quyền, bao gồm đi đầu trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, cho phép phụ nữ lái xe và hạn chế quyền lực của các giáo sĩ.

Tuy nhiên, các bước cải cách của ông lại song hành với cuộc trấn áp nhằm vào những người bất đồng chính kiến, khiến nhiều nhà hoạt động, doanh nhân bị bắt giam. Đơn cử như hồi cuối năm 2017, 4 bộ trưởng, 11 hoàng tử và nhiều doanh nhân nổi bật đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng theo lệnh của Thái tử bin Salman. Các biện pháp này đã nhắm vào nhiều đối thủ trực tiếp, do vậy củng cố quyền kiểm soát đất nước của ông.

Thái tử bin Salman cũng gây tranh cãi vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2018. Hồi tháng 7 vừa rồi, ông bin Salman đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Riyadh trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương sứt mẻ với Washington liên quan cái chết của nhà báo đối lập nói trên.

Saudi Arabia đặt mục tiêu tăng tự chủ của ngành công nghiệp quốc phòng

Thủ tướng Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman ngày 28-9 cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đã tăng khả năng tự chủ từ 2% lên mức 15%, đồng thời đặt ra kế hoạch đưa con số này lên 50% vào năm 2030. Thông qua Chiến lược công nghiệp quốc phòng, Saudi Arabia đã xây dựng kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí tài quân sự nhập khẩu, cũng như tăng việc làm tại nước này. Theo số liệu năm 2021, Saudi Arabia dành ra 6,6% GDP chi tiêu cho quân sự.

HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết