23/11/2019 - 17:39

Thái Lan sắp có xe lửa đầu đạn 

Sau nhiều năm trì hoãn và vướng phải nhiều tranh luận, xe lửa đầu đạn cuối cùng cũng sắp được ra mắt tại Thái Lan.

Mất 45 phút đi từ Bangkok đến Pattaya

Nhằm thay thế nhà ga Hualamphong hoạt động đã 103 năm tại thủ đô Bangkok, một trung tâm đường sắt khổng lồ mới ở quận Bang Sue dự kiến sẽ được khai trương vào năm 2021, phục vụ hành khách cả bằng đường sắt cao tốc (HSR) và mạng lưới đường sắt hiện tại đang được nâng cấp từ đường đơn thành đường đôi.

Là một phần của dự án trên, tập đoàn Charoen Pokphand (CP) mới đây đã ký hợp đồng với Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) để xây dựng tuyến HSR nối 2 sân bay quốc tế của Bangkok là Suvarnabhumi và Don Mueang với 3 tỉnh ở miền Đông. Tuyến đường này sẽ hoạt động cùng với tuyến đường sắt trên cao Airport Rail Link hiện có, vốn nối hệ thống tàu điện ngầm Bangkok với sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

Xe lửa đầu đạn sắp có mặt tại Thái Lan. Ảnh: CNN

Theo kế hoạch, tuyến HSR mới dài 220km sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024 với điểm dừng là sân bay U-Tapao nằm ở ngoại ô thành phố Pattaya.

Thanet Sorat, cố vấn Ủy ban Giao thông của Thượng viện Thái Lan, cho biết mục tiêu của dự án là tạo điều kiện giao thông thuận lợi đến Hành lang kinh tế phía Đông, khu vực chiếm 80% vốn đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Những người ủng hộ cho rằng tuyến HSR mới sẽ giúp giảm thời gian đi lại giữa 2 sân bay của Bangkok xuống chỉ còn 20 phút và đưa đón du khách đến Pattaya trong vòng chưa đầy một tiếng, đồng thời sẽ giúp làm giảm lưu lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ, giảm bớt tai nạn giao thông (Thái Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất thế giới).  Trong khi đó, giới chỉ trích đang đặt nghi vấn liệu tuyến đường cao tốc mới có phải là lựa chọn đúng đắn hay không khi mà kinh phí dành cho nó quá cao, lên tới 7,4 tỉ USD.

HSR nối Bangkok với Khorat

Dự kiến khai trương vào năm 2023, tuyến HSR đầu tiên của Thái Lan hiện đang được xây dựng tại tỉnh Nakhon Ratchasima (hay còn được gọi là Khorat). Ngoài các tuyến nối 3 sân bay Suvarnabhumi, Don Mueang và U-Tapao, gần như tất cả các tuyến khác đều do công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng.

Bắt đầu tại quận Bang Sue của Bangkok, “tuyến Khorat” dài 252km này sẽ dừng tại sân bay Don Mueang và cố đô Ayutthaya trước khi qua Đông Bắc đến tỉnh Saraburi và huyện Pak Chong gần Vườn Quốc gia Khao Yai nổi tiếng, cũng như dừng tại Khorat. Hiện chính phủ xứ Chùa Vàng có kế hoạch mở rộng tuyến đường tới tỉnh Nong Khai, cách Bangkok chừng 370km về phía Đông Bắc, nơi có cửa khẩu nổi tiếng mà du khách có thể đi tới thủ đô Vientiane của Lào. Mục tiêu cuối cùng của  tuyến đường này là kết nối với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của
Trung Quốc.

Với số tiền đầu tư lên tới 179 tỉ baht (5,9 tỉ USD), “tuyến Khorat” gặp nhiều phản đối. Giới chỉ trích cho rằng Đông Bắc Thái Lan không phải là điểm đến yêu thích của khách du lịch, đồng thời bày tỏ sự thất vọng khi chính phủ thiếu minh bạch trong việc phê duyệt dự án vào năm 2017. Pechnipa Dominique Lam, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan ước tính tuyến đường sẽ cần từ 50.000-85.000 hành khách mỗi ngày trong vòng 20 năm mới có thể thu hồi vốn.

Với số vốn đầu từ “khủng”, Ruth Banomyong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hậu cần tại Đại học Thammasat nhận định, các tuyến HSR nói trên khó có thể thành công trong bối cảnh SRT và các công ty vận tải nhà nước Thái Lan thua lỗ do lượng hành khách giảm mỗi năm. Còn các nhà phê bình thì lo ngại liệu người dân Thái Lan có đủ khả năng chọn HSR hay không khi mà mức lương tối thiểu ở nước này chỉ có 300 baht (10 USD)/ngày trong khi giá vé được đề xuất cho một chuyến tàu đầu đạn từ Bangkok đến U-Tapao và từ Bangkok đến Khorat lần lượt là 330 và 500 baht. Đối với người lao động, việc chọn xe buýt, xe khách và xe lửa hiện nay có giá rẻ hơn nhiều.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết