03/01/2018 - 08:56

Thành phố Ấn Độ “biến” rác thành tiền 

Vào 6h30 sáng, các con đường ở thành phố Mysuru (phía Nam Ấn Độ) bị đánh thức bởi âm thanh của tiếng còi khi các công nhân vệ sinh bắt đầu gõ cửa từng nhà để thu gom một trong những nguồn tài nguyên lớn nhất chưa được khai thác. Đó là rác!

Rác thải sinh hoạt được phân loại ở Mysuru. Ảnh: Bloomberg

Khi đó, người dân đưa 2 thùng rác (tự hủy và không tự hủy sinh học) cho các công nhân vệ sinh để họ chất lên xe rác. 400 xe đẩy rác và 170 xe tải nhỏ sẽ được đưa đến 9 trung tâm tái chế và một nhà máy ủ phân.

Tại các trung tâm tái chế, rác sẽ được phân loại, trong đó những vật có thể được tái sử dụng như chai nhựa, kim loại, giày dép và ly nhựa sẽ được bán cho người thu mua phế liệu trong khi số rác còn lại được ủ làm phân và bán cho nông dân.

Trong số 402 tấn rác thải mà thành phố Mysuru tạo ra mỗi ngày, gần 25% được xử lý tại các trung tâm tái chế và khoảng 50% được xử lý ở nhà máy ủ phân.

“Chúng tôi không muốn rác thải bị bỏ đi. Chúng tôi muốn thu lợi từ nó. Không có bãi chôn rác là khẩu hiệu của chúng tôi”- D.G. Nagaraj- quan chức y tế của hội đồng thành phố Mysuru- cho biết.

Hiện có khoảng 1 triệu công dân ở Mysuru thuộc lực lượng tiên phong của chiến dịch vốn do Thủ tướng Narendra Modi phát động nhằm làm sạch quốc gia Nam Á này cũng như tái chế rác thải thành phân bón và điện. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng giải pháp được áp dụng ở Mysuru (kết hợp lực lượng lao động giá rẻ có sẵn với các biện pháp truyền thống và nhà máy hiện đại) cho thấy cách Ấn Độ có thể “lật ngược” hình ảnh rác thải khắp nơi của nước này.

Để mô hình biến rác thành tiền hoạt động hiệu quả, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều phương thức kêu gọi đối với người dân như sử dụng âm thanh radio vào buổi sáng, nhắn tin qua ứng dụng WhatsApp, biểu diễn trên đường phố và phát tờ rơi. Thành phố cũng cử người đến từng nhà để tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân.

Được biết, các cơ sở tái chế chủ yếu do người dân địa phương và các tổ chức phi chính phủ lập nên và trang trải chi phí hoạt động nhờ bán phế liệu và phân ủ.  Thành phố cũng thu tiền xử lý chất thải rắn từ người dân, cộng với thuế đất đai để trợ cấp cho chương trình chuyển đổi rác thành tiền.

Năm ngoái, chính phủ liên bang đã trợ cấp cho việc xây dựng và vận hành các nhà máy ủ phân. Theo hãng tin Bloomberg, những sự khích lệ nói trên đã giúp tăng sản lượng phân từ rác thải của Ấn Độ từ 150.000 tấn hồi tháng 3-2016 lên 1,31 triệu tấn vào tháng 8-2017. Trong khi đó, đầu tư vào các cơ sở “biến” rác thành phân hoặc năng lượng ước tính tốn 3 tỉ USD vào năm 2027.

Các thành phố ở Ấn Độ nằm trong số những nơi xả rác thải lớn nhất thế giới, với khoảng 62 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ có khoảng 82% rác được thu gom và 28% trong số này được xử lý. Phần lớn rác được đưa đến các bãi chôn rác, địa điểm tập kết rác ngoài trời hoặc vứt đâu đó, nên thường gây tắc nghẽn dòng chảy sông rạch.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết