24/03/2011 - 21:52

Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì Trái đất

Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày mai (26-3), hàng tỉ người trên thế giới sẽ cùng tắt đèn trong 1 giờ để hưởng ứng lời kêu gọi hành động vì sức khỏe Trái đất của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF). Khởi nguồn tại thành phố Sydney (Úc) năm 2007 với sự tham gia của 2,2 triệu người và hơn 2.000 doanh nghiệp, năm nay sự kiện Giờ Trái đất tiếp tục lập kỷ lục mới khi thu hút gần 5.000 thành phố ở 133 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia. Giờ Trái đất 2011 diễn ra trong bối cảnh thiên tai “lộng hành” khắp năm châu từ đầu năm đến nay, nên tại nhiều thành phố, cư dân được kêu gọi hãy dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng vì sự thịnh nộ của thiên nhiên.

Không chỉ trong 60 phút

 

“Ngoài việc tắt đèn trong Giờ Trái đất, bạn còn có thể làm gì để tạo nên sự thay đổi cho mái nhà chung của chúng ta”. Đây là lời kêu gọi vô cùng thách thức mà các nhà tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất 2011 gửi đến các công dân trên toàn cầu. “Sự lớn mạnh nhanh chóng của Giờ Trái đất trong bốn năm qua đã chứng tỏ rằng hàng trăm triệu người muốn nỗ lực hơn nữa để bảo vệ hành tinh của chúng ta”, Andy Ridley, người đồng sáng lập chiến dịch, Giám đốc điều hành Giờ Trái đất cho biết.

Năm 2010, Giờ Trái đất đánh dấu một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường trong lịch sử với sự tham gia của hơn 1 tỉ người tại hơn 4.500 thành phố thuộc 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh. Giờ Trái đất 2011 sẽ tiếp tục chứng kiến hàng tỉ người khắp năm châu cùng nhau gắn kết trong một cam kết không hề viển vông về hành tinh này. Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi mọi người tắt đèn trong 60 phút mà còn khuyến khích nhân loại hãy cam kết hành động, dù lớn hay nhỏ, vì tương lai của hành tinh. “Không quan trọng đó là hành động lớn hay nhỏ, việc chúng ta cùng nhau hành động mới là quan trọng”, một nhà tổ chức Giờ Trái đất tại Úc cho biết hôm 23-3. Trang web của Giờ Trái đất đã mở diễn đàn www. earthhour.org/beyondthehour bằng 11 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt) và kết nối với các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Myspace... để các cá nhân, tổ chức và chính phủ các nước chia sẻ những gì họ đang làm hoặc dự định sẽ làm nhằm mang đến sự thay đổi cho môi trường.

Từ tắt đèn đến hành động vì môi trường

Hưởng ứng lời kêu gọi không chỉ tắt đèn mà hãy hành động vì môi trường, chính phủ Nepal hôm 23-3 cam kết sẽ chấm dứt nạn chặt phá khu rừng Churiya rộng 23.000 km2 ở cực Tây nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Úc Julia Gillard tuyên bố bà sẽ “hành động không chỉ 1 giờ Trái đất” bằng cách định giá carbon của nước này. “Ngoài việc tắt đèn trong Giờ Trái đất, người dân Úc tham gia Giờ Trái đất (năm nay tất cả các thành phố của Úc đều hưởng ứng Giờ Trái đất) đều cam kết sẽ hành động chống biến đổi khí hậu – dù nhỏ hay lớn - trong 12 tháng tới”, nhà lãnh đạo Úc cho biết trong thông điệp phát trên truyền hình nước này. Không chỉ chính phủ các nước mà các cá nhân cũng cam kết chung tay hành động vì sức khỏe của Mẹ Trái đất. Diễn viên điện ảnh Trung Quốc Lý Băng Băng cam kết năm nay sẽ ăn chay trong 100 ngày để góp phần hạn chế lượng khí carbon dioxide phát thải trên toàn cầu mà quá trình sản xuất và tiêu thụ thịt động vật là một tác nhân đóng góp. Vận động viên cricket huyền thoại Wasim Akram của Pakistan tuyên bố thôi dùng bọc ni lông.

29 tỉnh, thành ở Việt Nam hưởng ứng Giờ Trái đất

Việt Nam đã tham gia Giờ Trái đất trong năm 2009 và 2010 với sự ủng hộ và tham gia của hàng triệu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc. Năm nay, 29 tỉnh thành ở nước ta, trong đó có Cần Thơ, đã xác nhận tham gia Giờ Trái đất.

Tại Cần Thơ, ngày mai vào lúc 18 giờ, trước Văn phòng Đoàn Trường Đại học Cần Thơ (khu 2) sẽ diễn ra Lễ phát động và tuyên bố Cần Thơ tham gia Chương trình Giờ Trái đất 2011.

(Theo earthhour.org.vn)

Ông Jim Leape, tổng giám đốc Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF), cho rằng những hành động nhỏ của mỗi cá nhân có thể tạo nên hiệu quả lâu dài trong nỗ lực cứu Trái đất. “Trái đất đang đối mặt với vô vàn thách thức nhưng đừng bao giờ xem nhẹ khả năng tạo nên sự thay đổi bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực. Đây là lúc nhân loại vượt ra khỏi khuôn khổ 60 phút của Giờ Trái đất và chứng tỏ những gì chúng ta có thể làm cho Trái đất”, ông Leape nói. Trong khi đó, Andy Ridley – giám đốc điều hành chiến dịch Giờ Trái đất – cho rằng: “Bất cứ ai cũng có sức mạnh tạo nên sự thay đổi – một học sinh có thể tạo ra sự thay đổi trong phòng học của mình, hay một tổng thống có thể thay đổi một đất nước. Mỗi người hãy tham gia tắt đèn trong Giờ Trái đất 2011 và cam kết hành động lâu dài vì Trái đất”.

LONG CHÂU (Theo Earthhour, Xinhua, AFP)

Chia sẻ bài viết