13/10/2008 - 08:17

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10

Tất cả hãy vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh

Hôm nay (13-10) giới doanh nhân cả nước hân hoan kỷ niệm ngày đại lễ của mình: Ngày doanh nhân Việt Nam. Đây là năm thứ 6, giới doanh nhân Việt Nam được vinh dự chào đón sự kiện tôn vinh này.

Chiến tranh đã lùi xa, cả đất nước đang trong quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với mục tiêu xây dựng một dân tộc cường thịnh và thái bình. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, tầng lớp doanh nhân đóng một vài trò cực kỳ quan trọng, họ là lực lượng chủ lực trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Với tư cách là chủ thể của nền kinh tế, vì vậy thành hay bại trong phát triển kinh tế tầng lớp doanh nhân có vai trò quyết định. Thế nên, ghi nhận những đóng góp quan trọng, cách đây 3 năm Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13-10 hàng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam để biểu dương đội ngũ quan trọng này của đất nước.

Theo thống kê, trên địa bàn cả nước hiện nay có trên 100 ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, làm ra đến trên 90% của cải vật chất cho xã hội. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn về số lượng và nâng cao về chất lượng. Doanh nhân Việt Nam trong sâu thẳm đều mang dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, nên tất cả đều khát khao đem hết tài năng để phụng sự Tổ quốc, mang hết khả năng và tâm huyết cùng với Đảng, Chính phủ xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp. Trong quá khứ, tổ tiên của chúng ta, các bậc cha, chú và các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giải phóng dân tộc, mang lại nền độc lập- tự do cho Tổ quốc, hai chữ Việt Nam khi đó đã là trở thành biểu tượng cho các dân tộc bị áp bức noi theo... Bởi thế, ngày nay tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã và cố gắng chứng minh cho thế giới một Việt Nam đổi mới. “Vạn sự khởi đầu nan”, trong kinh tế không dễ gì ngày một ngày hai bước ra sánh vai cùng với các cường quốc hoặc các nước có điều kiện hơn ta, mà phải cần có thời gian. Nhưng không phải “phát triển muộn” là không thể sánh bước cùng những người đi trước. Điều quan trọng là cách làm và bước đi cụ thể ra sao? Chính nhận biết điều này, từ trong gian khó, không ít doanh nhân Việt Nam đã ra đời và phát triển. Những cà phê Trung Nguyên, giày dép Bình Tiên, Tập đoàn Mai Linh, dầu khí quốc gia Việt Nam... những công ty hàng đầu, những sản phẩm hàng đầu mang thương hiệu Made in Vietnam đã chinh phục được thị trường trong nước và bạn bè quốc tế biết đến.

Với doanh nghiệp, lợi nhuận là hàng đầu, nhưng không phải là trên hết. Lợi nhuận của họ đạt được, không chỉ họ, công ty họ mà quan trọng cả xã hội phải cùng được hưởng. Chính vì thế, không ít doanh nghiệp ngoài đóng thuế “nghiêm chỉnh” cho Nhà nước, họ còn trích từ lợi nhuận ra để làm các công việc từ thiện, công việc xã hội, như ủng hộ người nghèo, trao học bổng, nuôi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Vì họ xác định trách nhiệm xã hội không chỉ của riêng Chính phủ mà họ cũng có bổn phận tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh theo triết lý tài - đức, gắn lợi nhuận với phát triển cộng đồng, thì đâu đó vẫn còn không ít doanh nghiệp lợi dụng những sơ hở của cơ chế, cố tình vi phạm pháp luật, thủ lợi bất chính. Không chỉ hành vi làm ăn gian dối (kém chất lượng), trốn thuế, mà còn “bất nhân” tạo ra sự nguy hại cho cả cộng đồng- xã hội đương đại và tương lai. Họ kinh doanh xa rời chữ đức. Những vụ thực phẩm nhiễm melamine và đặc biệt là hàng loạt các nhà máy xả thẳng nước thải gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước thời gian qua không biết bao giờ mới khắc phục được là ví dụ điển hình.

Song dù bất luận thế nào, cũng đã qua rồi thời kỳ mà nhìn doanh nhân, thậm chí trên phim ảnh đều xếp họ vào hai từ “con buôn”- giờ đây chưa khi nào doanh nhân Việt Nam lại được cả xã hội tôn trọng đến vậy. Vâng, họ chính là người làm ra của cải cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước và tạo việc làm cho người lao động. Song không phải vì giờ đây được “đặt” ở vị trí cao mà doanh nhân muốn làm gì thì làm. Với con người nói chung, với tất cả lĩnh vực ngành nghề nói chung làm gì cũng cần hội tụ đủ 2 yếu tố tài- đức.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, tại cuộc gặp gỡ với giới doanh nhân của Thủ tướng ngày 11-10 và Lễ trao giải doanh nhân tiêu biểu năm 2008 tối ngày 12-10 cả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên cạnh việc biểu dương những thành tích mà giới doanh nhân đạt được thời gian qua, luôn nhấn mạnh đến chữ “đức” trong kinh doanh. Tất cả hãy vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.

L. HÀ

Chia sẻ bài viết