04/07/2013 - 20:38

Tập trung xử lý vướng mắc, khó khăn

Từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty Điện lực TP Cần Thơ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác thu xếp vốn đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý vận hành đối với các dự án trên địa bàn. Điều này đã ảnh hưởng khá nhiều đến tình hình thực hiện kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công ty vẫn không ngừng phấn đấu, tập trung đề ra những giải pháp khả thi để nhanh chóng xử lý khắc phục, quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao.

Công nhân kỹ thuật Điện lực Bình Thủy (Công ty Điện lực TP Cần Thơ) thường xuyên phối hợp với Chi nhánh điện cao thế Cần Thơ kiểm tra thiết bị trạm biến áp 110/22KV - 40MVA để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển sản xuất Khu công nghiệp Trà Nóc và thắp sáng sinh hoạt cho người dân TP Cần Thơ. 

Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Công ty Điện lực TP Cần Thơ, cho biết những khó khăn của đơn vị từ đầu năm đến nay chủ yếu là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đặc thù tuyến kéo dài của đường dây, va chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhiều hộ dân không chịu di dời và chưa đủ cơ sở pháp lý để cưỡng chế do không có chủ trương thu hồi đất trong hành lang lưới điện. Theo chủ trương của Nhà nước trong hành lang an toàn đường dây từ 220kV trở xuống cho phép nhà tồn tại trong phạm vi này nếu đủ điều kiện, trong trường hợp không đủ điều kiện tồn tại thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm kinh phí để cải tạo đủ điều kiện. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định nhà hoặc công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc nên khi thi công phải cải tạo tất cả vật kiến trúc làm cho chi phí giải phóng mặt bằng hành lang rất lớn, kéo dài và nhiều khả năng không thực hiện được. Một số hộ dân đã nhận tiền cải tạo nhà, vật kiến trúc của chủ đầu tư trong hành lang an toàn đường dây cấp điện áp 220kV, nhưng không tiến hành cải tạo, sửa chữa... đã gây lúng túng, khó khăn trong công tác nghiệm thu đưa công trình vào quản lý, vận hành.

Cốt lõi làm cho công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng các công trình chậm do Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ khi triển khai thực tế gặp nhiều vướng mắc như: hộ dân có diện tích đất lớn bị thiệt hơn các hộ có diện tích nhỏ, nên những hộ này không đồng ý hoặc đối phó bằng cách phân lô, chuyển nhượng làm cho công tác thu hồi và bồi thường kéo dài. Vấn đề khác là nhiều hộ dân không hội đủ hai điều kiện (có nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp và trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên phần diện tích bị ảnh hưởng của dự án) nên không được địa phương xem xét hỗ trợ, nên họ không đồng ý giao mặt bằng. Đối với địa phương, đơn giá bồi thường thấp, khó phù hợp với thị trường chuyển nhượng thực tế tại địa phương (do giá đất biến động liên tục). Một số địa phương không kịp thời cập nhật quy hoạch các dự án trên địa bàn, không thống nhất quy hoạch giữa các cấp thẩm quyền nên dẫn đến tình trạng chồng lấn dự án giữa dự án các ngành khác với ngành điện, buộc ngành điện phải điều chỉnh hướng tuyến cho phù hợp với quy hoạch chung làm chi phí đền bù tăng cao ảnh hưởng tiến độ thi công công trình. Mặt khác, công tác công khai chủ trương, quy hoạch dự án chưa rộng rãi, nên khi công bố phương án bồi thường, người dân không đồng tình...

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Công ty Điện lực TP Cần Thơ, từ những khó khăn trên, công ty đã có nhiều kiến nghị cụ thể, như: Về cơ chế chính sách Nhà nước, đề nghị các bộ ngành xem xét lại để thuận lợi cho việc chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nói chung; đồng thời có các Thông tư hướng dẫn giải quyết cụ thể các vướng mắc. Về chính quyền địa phương, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình biến động về đất đai và thường xuyên cập nhật quy hoạch dự án trên địa bàn, xác định thống nhất quy hoạch giữa các ngành, các cấp thẩm quyền để đảm bảo các dự án ngành điện đầu tư trên địa bàn không chồng lấn với các dự án tại địa phương. Một vấn đề khác là vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cải tạo lưới điện truyền tải được giao vay vốn thương mại tín dụng, vốn vay ưu đãi nước ngoài ... nhưng khi xét đến năng lực tài chính và các hệ số thanh khoản, hệ số lợi nhuận trên vốn... của đơn vị thì các ngân hàng còn e dè khi thu xếp vốn tài trợ các dự án của công ty. Do vậy, Công ty Điện lực TP Cần Thơ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương hỗ trợ ngành điện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới, hoặc các nguồn tài trợ từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Thụy Điển...

Ngoài khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, công tác quản lý, vận hành lưới điện của công ty cũng gặp nhiều vấn đề, dù đơn vị đã nỗ lực làm tốt nhiệm vụ, đồng thời được các cơ quan, ban hành trong tỉnh, thành phố hỗ trợ hết mức. Thời gian qua, sự cố lưới điện vẫn còn xảy ra, trong đó sự cố do người dân vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện chiếm tỷ lệ khá cao. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền, hướng dẫn an toàn điện, phát tờ rơi cho người dân sống trong, ngoài hành lang và liên hệ đơn vị quản lý vận hành lưới điện để được hướng dẫn phòng tránh sự cố. Ngành điện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nơi có lưới điện đi qua. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn Công trình lưới điện cao áp. Công ty không ngừng phấn đấu đề ra những giải pháp thiết thực, tích cực thực hiện những mục tiêu bằng nhiều phương pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết